Vốn FDI đổ vào ngành địa kỹ thuật

Geonia, tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc chuyên về sản xuất các sản phẩm vải địa kỹ thuật chất lượng cao (là loại vải có tính thấm, khi sử dụng lót trong đất, có khả năng phân cách, lọc, bảo vệ, gia cường và thoát nước) đang kỳ vọng đạt được doanh thu lớn tại thị trường Việt Nam.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lim Nam Chul, Trưởng đại diện của Geonia tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đường và cảng, nên nhu cầu về các sản phẩm vải địa kỹ thuật là rất lớn. “Việt Nam đã xây dựng một số đường cao tốc và chúng tôi đã cung cấp sản phẩm này, với doanh thu hơn 5 triệu USD vào năm 2014 và khoảng 5 triệu USD vào năm 2015. Trong những năm tới, doanh thu có thể tăng, thậm chí gấp đôi khi nhiều dự án của Việt Nam được thực hiện”, ông Chul cho biết
Tại Hội nghị quốc tế “Địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững hạ tầng” lần thứ 3 vừa diễn ra tại Hà Nội, không chỉ Geonia, mà gần 50 doanh nghiệp nước ngoài khác tham gia cũng muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh, thông qua việc thiết lập các quan hệ đối tác, liên doanh và đẩy mạnh bán các sản phẩm địa kỹ thuật tại thị trường Việt Nam.
 
Bà Nana Chen, Quản lý bán hàng của Công ty ACE Geosynthetics (Đài Loan) cho biết, từ nay đến hết tháng 12/2016, doanh nghiệp này sẽ thiết lập quan hệ đối tác với 5 doanh nghiệp tại Việt Nam, nâng tổng số đối tác lên 18, dù ACE Geosynthetics vẫn chưa có hoạt động đầu tư và thương mại chính thức tại Việt Nam.
 
“Chúng tôi có thể mở nhà máy tại Việt Nam trong tương lai. Năm ngoái, chúng tôi đạt tăng trưởng bán hàng ở mức 2 con số; năm nay và năm tới, chúng tôi cũng kỳ vọng đạt được kết quả như vậy. Hiện tại, ACE Geosynthetics là nhà xuất khẩu các sản phẩm địa nhiệt tổng hợp hàng đầu châu Á”, bà Chen nói.
 
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hidetaka Takeshima, Giám đốc Tập đoàn xây dựng Sanshin (Nhật Bản) cũng cho biết, Sanshin đang xem xét thiết lập quan hệ đối tác với một doanh nghiệp trong nước để thực hiện một số dự án kết cấu hạ tầng lớn tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2017.
 
Từ đầu năm nay, Sanshin đã hợp tác với Công ty cổ phần Liên kết công nghệ xây dựng (Việt Nam) nhằm thực hiện một số dự án công nghiệp hạ tầng tại khu vực phía Nam. Trong năm tới, 2 doanh nghiệp này sẽ cùng thực hiện một số dự án tương tự khác.
 
“Nhiều doanh nghiệp xây dựng Nhật Bản đang đổ sang Việt Nam để xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng. Do vậy, chúng tôi cũng muốn mở rộng hiện diện tại đây để hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản”, ông Takeshima cho biết.
 
Theo các chuyên gia xây dựng, Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có điều kiện địa chất rất phức tạp, nên việc lựa chọn giải pháp nền móng cho kết cấu hạ tầng là vô cùng quan trọng.
 
Trong chiến lược đến 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, vì vậy nhu cầu phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp, phát triển đô thị trong thời gian này đang rất lớn. Trong đó, Chính phủ đã và đang thiết lập những chính sách đặc biệt ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng trong mọi ngành và lĩnh vực. Đây là cơ hội cho các các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
 
GS. Ikuo Towhata, Phó chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật quốc tế cho biết, tại Việt Nam, bên cạnh hình thức vận tải công cộng tại các đô thị lớn, sự phát triển kinh tế đang đòi hỏi những phương tiện vận tải nhanh trên những quãng đường dài. “Tại Việt Nam, đường sắt cao tốc và đường cao tốc sẽ sớm trở thành nhu cầu cấp thiết. Điều này cho thấy nhu cầu của ngành địa kỹ thuật sẽ tăng cao trong một tương lai rất gần. Đây chính là cơ hội đầu tư cho rất nhiều doanh nghiệp”, GS. Towhata nói.