Chuẩn bị đón nhà đầu tư khi kinh tế phục hồi

Chuẩn bị đón nhà đầu tư khi kinh tế phục hồi
Hai tháng trở lại đây, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đề cập nhiều đến việc “kinh tế thế giới nói chung và VN nói riêng đang có dấu hiệu phục hồi”. Ngay từ lúc này, Việt Nam cần phải đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng và nguồn nhân lực, mở rộng “cửa” để đón nhà đầu tư.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tiêu chuẩn hiện đại


Chủ trương của UBND TPHCM cũng như định hướng hoạt động của các KCN là ưu tiên thu hút công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, không gây ô nhiễm môi trường; hướng đến nền công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Muốn làm được điều đó, cần phải có sự đầu tư đúng mức cho các KCX - KCN về cơ sở hạ tầng, dịch vụ phụ trợ, nguồn nhân lực tại chỗ… để những nơi này trở thành điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước muốn đầu tư, mở rộng sản xuất tại VN.

Vướng mắc lớn nhất của việc triển khai xây dựng, bổ sung các dự án KCX - KCN là nhiều dự án còn ách tắt ở khâu giải phóng mặt bằng và cần sự hỗ trợ của chính quyền TPHCM trong việc đẩy nhanh công tác đền bù giải toả, thu hồi mặt bằng phục vụ các dự án.

Để thu hút nhà đầu tư (nhất là nhà đầu tư nước ngoài), các KCN đang và sắp xây phải được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng đầy đủ yêu cầu, tiêu chuẩn về KCN hiện đại. Ngoài điện, nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống đường giao thông nội bộ và đường dẫn vào KCN… được thi công hoàn chỉnh thì hệ thống cáp viễn thông cũng phải được trang bị, đảm bảo chất lượng đường truyền ổn định. Nhà ở cho công nhân, lao động làm việc tại KCX – KCN, trung tâm văn hoá, trung tâm thương mại, nhà giữ trẻ… cũng là những công trình phụ trợ không thể thiếu.

Đào tạo nhân lực theo nhu cầu của DN


Một điểm hạn chế lớn khiến các DN sản xuất đặc thù, DN công nghệ cao ngại đầu tư vào KCX- KCN hiện nay là thiếu trầm trọng lực lượng công nhân lành nghề. Trong khi nhà đầu tư cần lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề vững để đáp ứng nhu cầu công việc thì đa số trường học, trung tâm dạy nghề còn đào tạo chung chung. Đào tạo chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn, đa số trường chọn đào tạo “cái mình đang có” chứ chưa chú trọng đào tạo cái DN cần. Tình trạng chung là học viên sau khi tốt nghiệp có bằng cấp chứng nhận hẵn hoi nhưng DN tuyển dụng phải bỏ công huấn luyện, đào tạo kỹ năng trước khi giao việc.

Theo ông Ngô Anh Tuấn, Phó Ban Quản lý các KCX- KCN TPHCM, cần có sự phối hợp giữa đơn vị cấp phép, nhà đầu tư và các tổ chức đào tạo, sao cho chính các đơn vị cấp phép đầu tư, các KCN phải chủ động giới thiệu nguồn nhân lực phù hợp cho nhà đầu tư khi tiếp thị sản phẩm, xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó, thay đổi cách thức đào tạo để đào tạo phục vụ thiết thực cho nhu cầu thực tiễn, giúp DN đỡ mất thời gian, công sức tìm lao động phù hợp.

Hiện tại, một số trường học đã bắt đầu “bắt nhịp” nhu cầu, mở những ngành đào tạo mới và được DN hưởng ứng, hỗ trợ. Trường Trung học kỹ thuật và nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh (huyện Nhà Bè, TPHCM) đào tạo nhiều ngành mới theo yêu cầu DN nên hầu hết học viên ra trường đều được các DN nhận vào làm việc. Hay như trường  Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng vừa liên kết với công ty Robert Bosch (thụôc tập đoàn Bosch – Đức) đào tạo kỹ thuật ô tô, học viên ra trường có cơ hội được làm việc ngay tại công ty.

Hy vọng với sự hỗ trợ của chính quyền TPHCM, sự đầu tư đúng mức về hạ tầng, nhân lực… các KCX, KCN TPHCM sẽ đón nhận ngày càng nhiều DN công nghệ cao để từ đây, nền công nghiệp VN có những bước tiến mới.

TPHCM hiện có 15 KCX – KCN đang hoạt động. Trong đó, một số KCN như Tân Phú Trung, Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Hiệp Phước, KCX Tân Thuận… đã được mở rộng hoặc còn mặt bằng trống cho nhà đầu tư mới. Ngoài ra, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN tại TPHCM đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, TPHCM sẽ có thêm 7 KCN mới bao gồm: KCN Đông Nam diện tích 283 ha, KCN Bàu Đưng diện tích 175 ha, KCN Phước Hiệp diện tích 200 ha, KCN Xuân Thới Thượng diện tích 300 ha, KCN Vĩnh Lộc 3 diện tích 200 ha, KCN Lê Minh Xuân 2 diện tích 338 ha, KCN Lê Minh Xuân 3 diện tích 242 ha. Điều này cho thấy tiềm năng thu hút đầu tư của các KCN tại TPHCM là rất lớn.