140 DN tham gia triển lãm công nghiệp hỗ trợ tại TPHCM
Triển lãm khai mạc ngày 17-9 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Tân Bình (TBECC), TPHCM và kéo dài đến 20-9.
140 doanh nghiệp nói trên đều kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và nước ngoài với 200 gian hàng trưng bày trong các lĩnh vực như: công nghệ cao, dệt may, da giày, điện - điện tử, nhựa, cao su, cơ khí, chế tạo và lắp ráp ô tô.
Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty máy Động lực và máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Cao su Miền nam (Casumina), Cadivi, Mico, Tổng công ty Nhựa Sài Gòn… và nhiều hãng sản xuất nước ngoài như Intel, Nidec, Bosch, Toshin, Irifune, Nidec… đã tham dự triển lãm.
Ngoài ra triển lãm còn có các khu trưng bày của Hiệp hội Dệt may, thêu TPHCM, Hiệp hội Nhựa và Cao su TPHCM, Hiệp hội Da giày TPHCM, Hiệp hội Cơ khí TPHCM và Khu CN Công nghệ cao TPHCM… .
Trong khuôn khổ triển lãm, vào ngày 18-9, sẽ có hội thảo chuyên ngành với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Vụ Công nghiệp nặng, Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương TPHCM chủ trì.
Bên cạnh đó, tại hội thảo sẽ có nhiều tham luận và thông tin từ các nhà hoạch định chính sách nhằm giúp các nhà cung cấp và sản xuất có được thông tin tổng quan trong việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Triển lãm được kỳ vọng sẽ góp phần kết nối nhà cung cấp với nhà sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và trao đổi khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất sản phẩm công nghiệp và mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Triển lãm cũng sẽ thúc đẩy nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm công nghiệp và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, linh kiện nhập từ nước ngoài; tăng cường xuất khẩu các sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu, hiện nay công nghiệp sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng của Việt Nam còn kém phát triển, sản phẩm linh kiện trong nước chỉ đáp ứng được 23% đến 37% nhu cầu của các nhà lắp ráp. Trong đó, sản xuất linh kiện kim loại là lĩnh vực phát triển nhất, sản xuất trong nước (của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa) mới đáp ứng được 37% nhu cầu của các nhà lắp ráp trong nước, linh kiện điện, điện tử đạt 23% và linh kiện nhựa, cao su đạt 28%. Hiện công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung mới đáp ứng được 10% nhu cầu trong nước, thua xa các nước trong khu vực (40-60%), dẫn tới nhập siêu quá lớn, tác động tiêu cực lên tỷ giá. |