187 dự án FDI với 85.4 tỷ USD

Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) trả lời phỏng vấn của báo VietnamNet chiều 22/6 cho biết mặc dù vốn FDI đổ vào Việt Nam bị suy giảm mạnh, song mục tiêu thu hút FDI cho cả năm nay và 2010 vẫn có thể đạt được.

Thưa ông, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, một loạt các chỉ tiêu kinh tế phải điều chỉnh giảm, dựa vào đâu để ông có thể khẳng định khả năng hoàn thành mục tiêu thu hút 20 tỷ vốn FDI năm nay?
- Theo thông lệ, 6 tháng cuối năm, các hoạt động đầu tư của FDI sẽ tích cực hơn. Đây là thời điểm các doanh nghiệp thường đẩy nhanh giải ngân các khoản tài chính. Tuy nhiên, cơ sở vững chắc nhất để tôi khẳng định như vậy, là hiện đã có một loạt dự án tiềm năng đang được các nhà đầu tư đàm phán, thương thảo với các địa phương và có khả năng sẽ được cấp phép trong cuối năm 2009 và năm 2010.
Số các dự án đang “nằm chờ” vào Việt Nam này là 187 dự án với tổng vốn đăng ký rất ấn tượng, tới 85,4 tỷ USD.
 
Trong đó, dự án lớn nhất có qui mô vốn đạt 6 tỷ USD, là dự án xây dựng khu đô thị hiện đại, thương mại, nghỉ dưỡng, casino ở Lâm Đồng của nhà đầu tư Australia. Ngoài ra, các dự án cỡ tỷ đô có thể kể tên như dự án 3 tỷ USD, xây dựng cảng đa năng và nhà máy lọc dầu của nhà đầu tư Luxembourg ở Bạc Liêu, dự án của công ty của Mỹ đầu tư tôm giống chân trắng cỡ 1 tỷ USD…Đó là những căn cứ để thấy là chúng ta hoàn toàn có cơ hội để hoàn thành mục tiêu “hút” 20 tỷ USD trong năm nay.
 
Ông có lo ngại gì về sự sụt giảm của vốn FDI 6 tháng đầu năm, chỉ bằng 22% so với cùng kỳ năm trước?
- Chúng tôi rất lo trước sự sụt giảm này. Năm 2008, chúng ta đã đạt cao như vậy. Thực tế, trong 2008, sau khi cập nhật đầy đủ thông tin của địa phương, cả nước đã thu hút tới 71 tỷ USD vốn FDI, chứ không phải là 64 tỷ USD. Do đó, dưới tác động của khủng hoảng, rõ ràng kết quả thu hút FDI năm 2009 sẽ không thể bằng 2008.
 
Một số năm sau nữa cũng sẽ thế, khó mà được như năm 2008. Tuy nhiên, nhìn ngược lại, trong bối cảnh khó khăn, cá nhân tôi thấy, có thể chấp nhận được kết quả 6 tháng này, tức là đạt 8,87 tỷ USD.
Hiện nay, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài đang diễn biến theo đúng dự báo và kế hoạch của chúng ta. 
 
Giải ngân mới là thước đo hấp thụ vốn FDI vào nền kinh tế, nhưng việc này vẫn luôn bị chậm. Vướng mắc đối với việc giải ngân FDI hiện do đâu?
- Giải ngân vướng vẫn do các nguyên nhân truyền thống. Đó là giải phóng mặt bằng và đền bù cho dân, giao đất cho nhà đầu tư đúng hạn. Tuy nhiên, đôi khi ban giải phóng vướng chuyện quy hoạch ngành chưa xong, hoặc chuyện có nên thẩm định môi trường trước hay phê duyệt dự án trước. Chúng ta cứ lùng bùng trong thủ tục hành chính đó. Một số dự án thì nhà đầu tư chưa phải đã sẵn sàng triển khai. Bởi vì, trong bối cảnh này, họ triển khai ngay thì chưa chắc đã hiệu quả vì không có thị trường, vốn sẽ đọng.
 
Cơ sở hạ tầng của ta lại chưa đáp ứng nhu cầu. Ví dụ, một loạt dự án xây dựng hệ thống cảng biển phía Nam đang xây nhưng đường nối thì chưa xong.
 
Tới đây, Cục có hành động quyết liêt nào để thúc đẩy giải ngân vốn FDI?
- Chúng tôi sẽ có những giải pháp với các dự án có quy mô lớn. Bởi những dự này này có tác động lớn tới khu vực. Hiện nay, TP.HCM sau đợt rà soát đã có 50 dự án lớn đang ngừng trệ. Chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với họ, giao cho trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam tìm hiểu xem họ vướng cái gì.
 
Kế đến, nếu dự án nào chậm quá không thể triển khai thì phải thu hồi đất, giao cho dự án mới. Tuy vậy, chúng tôi cũng rất vướng như trường hợp, dự án đã vào đầu tư vài triệu USD rồi, không thể dễ dàng rút ngay giấy phép.
 
Chưa kể, thủ tục để rút giấy phép còn liên quan đến việc thanh lý, phải theo thủ tục trình tự kéo dài cả 6 tháng tới cả năm, rất chậm trễ. Vì vậy, chúng tôi cũng có giải pháp trung hòa, chấp nhận cho kéo dài tiến độ để khuyến khích các nhà đầu tư. Tuy vậy, cuối năm nay, chúng tôi sẽ công bố con số dự án đã bị rút giấy phép.