22 tỉnh phía Nam dẫn đầu hút vốn đầu tư nước ngoài

Vốn FDI vào Việt Nam năm 2009 sẽ thấp hơn 2008, và giải ngân cũng khó khăn hơn - dự báo của Bộ KH - ĐT. Ảnh: Đặng Vỹ

Vốn FDI vào Việt Nam năm 2009 sẽ thấp hơn 2008, và giải ngân cũng khó khăn hơn - dự báo của Bộ KH - ĐT. Ảnh: Đặng Vỹ

Con số nói trên được thông báo tại buổi kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đầu tư nước ngoài phía Nam (SFIC) chiều 16/1 tại TP.HCM. Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đầu tư nước ngoài khu vực phía Nam, cho biết: Trong năm 2008, 22 tỉnh thành phía Nam từ Ninh Thuận trở vào đạt 34 tỷ USD. So với gần 64 tỷ USD cả nước thu hút được, đạt tỷ lệ 53,12%.
 

Trong 20 năm thu hút đầu tư từ 1998 đến 2008, cả nước đạt 149,8 tỷ USD, trong đó 22 tỉnh thu hút 84,5 tỷ, chiếm 56.4%.
 

5 tỉnh thu hút đầu tư thành công nhất ở phía Nam là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Dương.
 

Bà Nguyễn Bích Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng năm 2009 được dự báo sẽ là một năm khó khăn cho nền kinh tế. Những khu vực chịu tác động trực tiếp là xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng tiêu dùng do nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Nhật, Mỹ, EU, bị sụt giảm mạnh do suy thoái.
 

Khối doanh nghiệp trong nước, đặc biệt DN nhỏ và vừa sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn trong nước do phải cắt giảm thuế nhập khẩu và mở cửa nhiều ngành như phân phối, giáo dục và y tế, tài chính ngân hàng…
 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng không thể thoát khỏi ảnh hưởng, về lượng vốn vào Việt Nam và tiến độ giải ngân các dự án. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo lượng vốn FDI thu hút mới trong năm 2009 sẽ thấp hơn nhiều so với 2008.
 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định trong năm 2009 sẽ tập trung vào 3 nội dung: giải ngân nguồn vốn FDI; tăng cường các mối liên hệ và các kênh tiếp cận các nhà đầu tư ở các nước Nhật, Mỹ, EU, và thu hút thêm đầu tư từ Nga và Trung Đông; xác định rõ đối tượng thu hút đầu tư là những tập đoàn có khả năng tài chính và sẵn sàng chuyển giao công nghệ.