369 hợp đồng được ký kết tại hội nghị kết nối cung cầu

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, con số này chắc chắc sẽ còn tăng lên bởi các hoạt động giao lưu, kết nối của hội nghị sẽ diễn ra cả trong ngày mai (26-11).
 
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành năm nay có sự tham gia của hơn 954 doanh nghiệp của 38 tỉnh, thành, trong đó có 631 nhà cung ứng giới thiệu nhiều mặt hàng đặc sản địa phương, 42 nhà phân phối, 124 doanh nghiệp xuất khẩu, bếp ăn tập thể.
 
Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh được tổ chức từ năm 2012 và đã nhận được sự hợp tác của UBND các tỉnh, thành và sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp. Qua kết nối giao thương, các hệ thống phân phối tiêu thụ tìm được nhiều nhà cung ứng có uy tín, từ đó giải quyết đầu ra cho sản phẩm các vùng miền. Nếu như năm 2012, lần đầu tổ chức kết nối với 15 tỉnh, thành có 198 doanh nghiệp tham gia và 43 hợp đồng được ký kết thì năm 2015 đã có 30 tỉnh, thành tham gia với 1.251 doanh nghiệp, ký kết 482 hợp đồng. Giao thương hai chiều đạt 22.132 tỉ đồng. trong đó, doanh nghiệp TPHCM đã tiêu thụ lượng hàng hóa trị giá 15.498 tỉ đồng của các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trị giá 6.634 tỉ đồng.
 
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn có đến 187 hợp đồng nguyên tắc không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả. Sở dĩ có điều này, theo bà Trang vì doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng nhiều; hàng hóa, bao bì sản phẩm, mẫu mã chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của hệ thống phân phối và tiêu thụ, có những sản phẩm mang tính chất thời vụ nên không duy trì được hợp đồng lâu dài.
 
Ngoài ra, các quy định ràng buộc hàng hóa cung ứng đưa vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống phân phối hiện đại TPHCM như tỷ lệ chiếu khấu, phương thức thanh toán, phương thức giao nhận hàng hóa và nhiều chi phí khác… cũng là những khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã tiêu thụ.
 
Trong không gian giới thiệu sản phẩm của hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành năm 2016, ngoài đặc sản của vùng miền Trung, miền Đông và Tây Nam Bộ như rượu cà na – cà na muối của An Giang; các loại khô (khô cá, tôm khô…) của Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang; bưởi Tân Triều (Đồng Nai); mật ong, tinh bột nghệ của Nghệ An; cam Vinh; hành – tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi)…  còn có nhiều loại đặc sản của vùng núi Tây Bắc như măng Kim Bôi (Hòa Bình), chè San Tuyết (Hà Giang, Nghệ An), mật ong, cam Hà Giang…