90% lao động nhập cư không có bảo hiểm xã hội

Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo được Bộ LĐ-TB&XH công bố mới đây, tính đến cuối năm 2010, cả nước có 5 tỉnh, TP tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% là: TP Hồ Chí Minh (0,01%); Bình Dương (0,05%); Đồng Nai (1,45%); Bà Rịa- Vũng Tàu (4,35%); Hà Nội (4,97%). Đây là những địa phương đã ban hành chuẩn nghèo riêng, cao hơn chuẩn nghèo quốc gia.

Đáng quan tâm, khi lượng người nghèo ở nông thôn giảm, thì số người nghèo đô thị lại tăng lên khá nhanh. Họ là nhóm dân cư bị "nghèo hóa" do quá trình đô thị hóa.

Sau khi mất đất nông nghiệp do phải "nhường" chỗ cho việc phát triển công nghiệp, kết cấu hạ tầng; nhóm người dân này di cư vào các TP lớn mưu sinh bằng các nghề tự do như: Xe ôm, xích lô, phụ hồ, bán hàng rong.... Nguồn sống duy nhất đối với nhiều người trong số họ là sức lao động. Tuy nhiên, sức lao động của họ lại rất rẻ mạt do thiếu kỹ năng, thiếu đào tạo và đặc biệt là việc làm không thường xuyên. Từ đặc điểm này kéo theo những thiệt thòi khác cho lao động di cư ở các TP lớn.

Trước hết là sự chênh lệch về mức thu nhập. Theo kết quả khảo sát tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2009, thu nhập bình quân một người/tháng của hai TP là 2,404 triệu đồng. Trong đó, thu nhập bình quân của nhóm hộ nghèo nhất là 805 nghìn đồng/người/tháng và nhóm giàu nhất là 5,219 triệu đồng/người/tháng. Mức chênh lệch giàu nghèo ở thời điểm đó là 6,5 lần. Bên cạnh sự chênh lệch trong thu nhập, người nghèo ở đô thị còn gặp những khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội khác như: Y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở…

Theo báo cáo, có đến 90% lao động nhập cư không có bảo hiểm xã hội. Đáng lưu ý, trong kế hoạch bao phủ bảo hiểm y tế, nhóm lao động tự do đang được xếp sau cùng trong lộ trình ưu tiên, trong khi nhóm này tập trung số lượng rất lớn người nhập cư. Các vấn đề giáo dục, vay vốn cũng bị hạn chế do các TP thường ưu tiên cho những người có hộ khẩu thường trú nên con em người nhập cư khó xin học tại các trường chính quy. Không có hộ khẩu thường trú, không được xét vào diện hộ nghèo nên con cái họ thường không được miễn giảm học phí và các chính sách khác.

Theo quy định hướng dẫn điều tra hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 của Bộ LĐ-TB&XH: Đối tượng để điều tra là toàn bộ các hộ gia đình đã sinh sống trên địa bàn cấp thôn từ 6 tháng trở lên, không phụ thuộc vào tình trạng hộ khẩu và tình trạng cư trú. Điều này có nghĩa, lao động nhập cư vào các TP lớn, nếu qua điều tra thuộc diện nghèo, họ cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ hộ nghèo.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, thực tế trong đợt rà soát này, vẫn còn những người nghèo ở đô thị bị "bỏ sót", do nhiều người dân di cư đã bỏ qua khâu đăng ký tạm vắng, tạm trú, kê khai nhân khẩu. Nhiều hộ dân di cư khác chỉ tạm trú một vài tháng, sau đó chuyển đi cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho chính quyền địa phương trong rà soát, xét duyệt, hỗ trợ hộ nghèo.

Tại Việt Nam, Chương trình giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 đã đưa ra phương pháp tiếp cận, xử lý đói nghèo đa chiều và hướng nhiều đến chính sách hỗ trợ giảm nghèo thiết thực hơn đối với người nghèo tại các đô thị lớn. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho hay, hàng năm, khi hướng dẫn các địa phương rà soát hộ nghèo, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành khác sẽ quan tâm giải quyết thông thoáng về thủ tục hành chính để người nghèo, đặc biệt là người dân di cư làm ăn sinh sống ở các vùng khác có thể tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội.

Có như vậy, người dân nghèo, trong đó có nhóm người dân nghèo di cư lên các đô thị mới có điều kiện tiếp cận tốt hơn với chính sách an sinh xã hội cho người nghèo.