Ai được phép kinh doanh vàng?
Gần 20 sàn vàng đang hoạt động trong cả nước đang hồi hộp chờ đợi quy chế chính thức, vì nếu dự thảo này thực sự có hiệu lực, thì số lượng sàn giao dịch vàng được phép hoạt động sẽ co lại chỉ còn 5-6 sàn.
Công ty cổ phần vàng châu Á (AGC) đã khai trương Trung tâm giao dịch vàng châu Á tại Hà Nội vào tháng 1 năm nay, đồng thời liên kết với Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Maritimebank nhằm cung cấp tín dụng và thanh toán. Bên cạnh đó, AGC cũng sử dụng 80 điểm chi nhánh của Maritimebank và nhiều đối tác là các công ty chứng khoán khác làm đại lý giao dịch. Mỗi ngày, trên sàn vàng này có khoảng 2000 lượng vàng được giao dịch. Đây cũng là một trong số gần 20 doanh nghiệp kinh doanh vàng đang hoạt động trong cả nước.
Để được phép kinh doanh vàng, doanh nghiệp này phải chịu sự quản lý của Bộ Công thương về giao dịch vàng vật chất, phải đăng ký kinh doanh qua Bộ Kế hoạch và đầu tư, và thuộc sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước về tài khoản, ký quỹ, tín dụng… Tuy nhiên, theo nội dung của dự thảo Thông tư quy định việc kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước của ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp này không thuộc diện được phép hoạt động kinh doanh vàng như trước đây, và cũng có nghĩa, toàn bộ cơ ngơi này sẽ bị xoá sổ.
Ông Trương Trung Dũng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần vàng châu Á cho rằng: “Căn cứ vào Nghị định 158 của Chính phủ và quy định của Luật Thương mại về quản lý hoạt động sàn giao dịch hàng hóa vàng với vai trò là một hàng hóa đặc biệt, mua bán vàng trong nước, thì các đơn vị môi giới căn cứ vào nghị định 158 là tất yếu”.
Điều 4 trong Dự thảo quy định, chỉ có các ngân hàng thương mại được phép cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước sau khi được Ngân hàng nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung ứng dịch vụ này. Những ngân hàng đủ điều kiện kinh doanh phải là những ngân hàng có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, có thời gian hoạt động kinh doanh vàng tối thiểu 3 năm, nếu đối chiếu điều kiện trên thì chỉ có khoảng 5-6 ngân hàng đáp ứng được. Mặt khác, các ngân hàng đủ điều kiện này cũng không được phép thành lập công ty con, công ty liên kết hoặc góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp khác để cung ứng dịch vụ mua bán vàng trên tài khoản trong nước, nghĩa là loại bỏ hoàn toàn sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam: “Thực tế kinh doanh vàng lâu nay, kinh doanh vàng vật chất và kinh doanh vàng trên tài khoản thường đi đôi với nhau. Có sàn giao dịch vàng vật chất là chính, có sàn giao dịch trên tài khoản là chính. Nếu tách ra thì cũng khó, vì không có sàn giao dịch nào chỉ kinh doanh vàng vật chất hoặc chỉ trên tài khoản. Lúc khách có nhu cầu vàng vật chất thì sàn giao dịch phải đáp ứng, nếu chỉ có ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản, nói đến kinh doanh vàng mà đưa các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý ra thì tôi chưa từng thấy xảy ra và cũng khó trở thành hiện thực”.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, chuyên gia kinh tế: “Quy chế như vậy cũng phù hợp với điều kiện Việt Nam vì các định chế tài chính có tiềm lực tài chính đủ mạnh, uy tín lớn và rủi ro tín dụng thấp thì chỉ có các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, NHNN cũng nên chỉnh sửa quy chế, liệt kê các điều kiện được phép kinh doanh vàng để các tổ chức muốn kinh doanh vàng phải đáp ứng mới cấp phép thì sẽ làm cho quy chế này linh hoạt hơn”.
Việc đưa ra các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng và hạn chế tính rủi ro cho các nhà đầu tư là cần thiết, nhưng một số điểm trong bản quy chế còn chưa nhận được sự đồng tình từ nhiều phía, do nó hạn chế động lực phát triển của một trong những kênh huy động vốn lớn cho nền kinh tế, nhất là khi nó đã trở thành sự lựa chọn của không ít nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong văn bản gửi các thành viên tổ công tác liên ngành, Ngân hàng nhà nước cũng nêu rõ: “Phương châm không khuyến khích hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng đối với hoạt động này”.