Sản xuất công nghiệp 9 tháng: "Điểm nóng" tăng trưởng ở khu vực FDI
Nội sản xuất công nghiệp có xu hướng chững lại
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 9/2011 tăng 3,9% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 6,1% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 5,3%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 8,8%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 7,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,5%.
Dự kiến 9 tháng năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 12,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 7,5% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 8,3%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 5,2%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 11,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,4%.
Dự kiến cả năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 12,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 7,6%; kinh tế ngoài Nhà nước tăng 11,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,4%.
Theo đánh giá, sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm đã có xu hướng chững lại. Nguyên nhân do lạm phát tăng cao làm giảm tiêu dùng và đầu tư trong nước; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lượng hàng tồn kho tăng, vốn hàng hóa ứ đọng, lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, giá nguyên vật liệu trong nước cũng như nhập khẩu vẫn tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch sản xuất.
TP.HCM: Số ngành tăng chiếm đa số
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9 ước đạt 66.523 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 12,3% so tháng 9/2010. Chín tháng ước đạt 526.393 tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước (9 tháng đầu năm 2010 tăng 13,4%). Trong đó: công nghiệp nhà nước chiếm 14,5%, tăng 3,9%; công nghiệp ngoài nhà nước chiếm 47,7%, tăng 14,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 37,8%, tăng 14%.
Trong 27 ngành có 4 ngành sản xuất giảm và 23 ngành tăng. Trong đó 11 ngành tăng cao hơn mức tăng bình quân chung của ngành, những ngành chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng cao là: da giày (+26,7%); may (+24%); sản xuất vật liệu xây dựng (+14,3%); sản xuất máy móc và thiết bị điện (+18,9%); dệt (+10,4%), sản xuất giường, tủ, bàn ghế (+14,3%) ….
Ngành thực phẩm đồ uống chiếm tỷ trọng cao nhất tăng 9,1%. Các ngành vẫn liên tục giảm qua các tháng là khai thác đá; sản xuất thuốc lá; sản xuất và phân phối điện.
Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2011 tăng 12,2% so với năm 2010. Trong đó: kinh tế nhà nước tăng 3,9%, kinh tế ngoài nhà nước tăng 14,5% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14%. Như vậy, tại cả 2 thành phố lớn của cả nước, sản xuất công nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đều có mức tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của tỉnh.