Anh kêu gọi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ

Anh kêu gọi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ
Anh đang muốn Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, viễn thông và bảo hiểm, dọn đường cho các hãng đầu tư lớn của Anh vào Việt Nam - ông Andrew Cahn, Tổng Giám đốc Cơ quan thương mại và đầu tư Anh (UKTI) nói.
 
Tại cuộc họp lần ba của Ủy ban hỗn hợp kinh tế và thương mại Việt - Anh (JETCO) diễn ra tuần qua tại Hà Nội, phía Anh đã thảo luận chi tiết kỹ thuật về mở cửa thị trường trong 3 lĩnh vực trên. Phía Việt Nam thống nhất sẽ tiếp tục tổ chức một loạt cuộc gặp tiếp theo giữa các doanh nghiệp Anh và các cơ quan chức năng Việt Nam để giải quyết yếu tố kỹ thuật trong các quy định.
 
Muốn thành nhà đầu tư châu Âu lớn nhất ở VN
 
Tại sao phía Anh quan tâm mở cửa thị trường 3 lĩnh vực này ở Việt Nam, thưa ông?
 
- Tôi nghĩ rằng có 2 lĩnh vực mà đầu tư từ Anh sẽ tăng trưởng nhanh chóng, đó là bán lẻ và viễn thông. Nhưng trong những lĩnh vực này, vẫn có những rào cản khiến các nhà đầu tư Anh ngần ngại tới. Ví dụ trong lĩnh vực bán lẻ, giá bán lẻ, theo tôi, có vẻ đi ngược lại quy định của WTO cũng như phải có chuỗi cửa hàng 10, 15, 20, thậm chí 30, 40 cửa hàng nhưng điều này không được cho phép.
 
Nếu không chấp nhận quy mô mở chuỗi như vậy thì sẽ không thể tận dụng được lợi ích thực sự của bán lẻ. Hãy nhìn rộng hơn ra toàn cầu, đã có cuộc cách mạng về bán lẻ, ở Trung Quốc hay Brazil, thu hút những thương hiệu lớn.
 
Mở cửa thị trường bán lẻ, khách hàng được phục vụ tốt hơn, chi phí hàng hóa thấp hơn, giá thành bán ra tốt hơn, nhiều sự lựa chọn, cạnh tranh hơn. Ngành bán lẻ của Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển.
 
Về công nghệ viễn thông, theo tôi, trong vòng 20 năm nữa, sẽ chỉ có 4 hoặc 5 công ty thống trị đẳng cấp toàn cầu. Nhưng những công ty như vậy không thể tham gia vào thị trường Việt Nam khi vẫn còn những rào cản. Trong khi sự hiện diện của họ sẽ giúp các công ty viễn thông của Việt Nam tiếp cận những công nghệ mới nhất.
 
Với những lĩnh vực quan tâm mới, vì sao Anh đặt tầm nhìn mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam, thưa ông?
 
- Đã có những cơ hội bị bỏ lỡ. Tôi muốn có nhiều doanh nghiệp Anh hiện diện ở đây hơn. Anh là nhà đầu tư lớn thứ 3 của EU ở Việt Nam, trong khi phần lớn ở các nước, Anh thường là nhà đầu tư lớn nhất. Chúng tôi đặt tham vọng trở thành nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu ở Việt Nam. Tôi muốn các nhà đầu tư Anh có hoạt động thương mại ở đây. Tôi cũng mong mỏi sẽ ngày càng có nhiều hàng hóa Việt Nam và đầu tư của Việt Nam đến Anh.
 
Câu chuyện giờ đây là chúng ta có thể làm được gì để đạt kết quả tốt hơn. Cả hai chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa. Chính phủ Việt Nam có thể tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, tháo bỏ những hàng rào, cản trở còn đang tồn tại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, Chính phủ Anh sẽ làm nhiều hơn để khuyến khích các công ty Việt Nam đến thị trường Anh.
 
Cần những cái tên mới xuất hiện
 
Việt Nam thường là lựa chọn thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc của các nhà đầu tư Anh. Vậy, Việt Nam cần làm gì để gia tăng sức thu hút, cạnh tranh đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Anh?
 
- Việt Nam và Trung Quốc đều là những thị trường quan trọng của Anh ở châu Á. Vấn đề là Trung Quốc hay Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài nhiều đến đâu. Đây là một quá trình hai chiều.
 
Anh là nhà đầu tư ra nước ngoài lớn thứ hai trên thế giới. Đã có những thương hiệu lớn của Anh có mặt tại thị trường Việt Nam, giờ là lúc cần những thương hiệu mới, lớn khác của Anh vào thị trường Việt Nam. Chúng ta cần có những cái tên lớn mới xuất hiện.
 
Việt Nam là thị trường ưu tiên của Anh. Chúng tôi thúc đẩy các nỗ lực cho các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước.