Bao giờ VN áp dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế?
Đó là vấn đề đặt ra tại Hội thảo “Chuẩn mực kế toán công quốc tế" do Hiệp Hội Kế toán- công chứng Anh (ACCA) tổ chức, với chủ đề “Báo cáo tài chính trên cơ sở kế toán tiền mặt” diễn ra ngày 3/6/2009, tại Hà Nội.
Việc áp dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS) sẽ mang lại nhiều lợi ích như nâng cao tính toàn diện, công khai và minh bạch của báo cáo tài chính; nâng cao chất lượng và tính so sánh giữa các DN hoạt động trong lĩnh vực công cũng như tính nhất quán trong việc lập và báo cáo các thông tin tài chính, hạn chế tham nhũng…Tuy nhiên, ở Việt Nam, yêu cầu các DN áp dụng chuẩn mực kế toán đã được đặt ra từ lâu, từ khi bắt đầu công cuộc cải cách kế toán (1994).
Nhưng do đặc điểm của cơ chế quản lý ở Việt Nam đã quá quen với thực hiện và tuân thủ các chế độ kế toán, mà chủ yếu lại là các văn bản hướng dẫn chế độ hoặc cụ thể hóa chính sách, chế độ vào từng lĩnh vực, từng ngành nghề cụ thể.
Trong khi đó, nhiều DN của Việt Nam thuộc sở hữu Nhà nước hoặc DNNN được cổ phần hóa; hơn 90% là DN nhỏ và vừa nên việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế còn lúng túng và chưa được quan tâm đúng mức.
Vì thế hội thảo thực sự có tác dụng quan trọng, khởi động lại chương trình đối với Ban soạn thảo áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế ở Việt Nam và đề mang đến nhiều kinh nghiệm cho các doanh nghiệp có sử dụng nguồn vốn công.
Tại hội thảo, bà Gillian Fawcett- Giám đốc lĩnh vực công ACCA- đã phát biểu đề cập đến ưu điểm của chuẩn mực kế toán công quốc tế trong việc lập báo cáo tài chính dựa trên cơ sở kế toán tiền mặt và chia sẻ kinh nghiệp áp dụng tại Anh- một nước kinh tế phát triển.
Còn theo ông Reza Ali- Giám đốc phát triển kinh doanh ACCA ASEAN và Úc: Hiện nay trên thế giới có 70 quốc gia và nền kinh tế đã và đang áp dụng IPSAS đều mang lại nhiều hiệu quả hữu ích. Trong số đó có cả những nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, việc áp dụng IPSAS cũng gặp một số khó khăn như: chi phí thực hiện chuyển đổi thống nhất một hệ thống báo cáo tài chính trên cơ sở kế toán tiền mặt tiến tới chuyển sang cơ sở kế toán dồn tích rất lớn nên phải mất nhiều năm mới có thể hoàn thiện.
Hơn nữa, việc thiếu đội ngũ kế toán có chuyên môn cao, sự kháng cự trước những thay đổi mới, và IPSAS là chuẩn mực trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản chứ không phải đưa ra những quy định chi tiết cụ thể… là những khó khăn của các nước đang phát triển nói chung, Việt Nam nói riêng khi áp dụng hệ thống này.
Vì thế, ông Reza Ali đã trình bày kinh nghiệm thực tế áp dụng của Ấn Độ- một nước đang phát triển, có nền kinh tế tương đồng như Việt Nam.
Theo ông Reza Ai, mặc dù có những khó khăn khi áp dụng IPSAS nhưng đây là xu hướng tất yếu của các quốc gia, vì thế ngay từ bây giờ Việt Nam cần phải đưa ra lộ trình cụ thể để áp dụng, tiến tới thống nhất báo cáo tài chính trên cơ sở kế toán dồn tích từ Chính phủ xuống tất cả các doanh nghiệp.
Tại hội thảo, PGS.TS Đặng Thái Hùng- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính)- cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay của Việt Nam là các công ty sử dụng nguồn vốn từ ngân sách rất nhiều, chia thành nhiều đối tượng, vấn đề là làm thế nào để các công ty con cũng tuân thủ nhất quán kế toán như các công ty mẹ.
Theo ông Hùng, so với chuẩn mực các lĩnh vực kế toán thì chuẩn mực kế toán công theo cơ sở kế toán dồn tích là khó nhất nhưng không vì thế mà Việt Nam không áp dụng. Việt Nam sẽ tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ các nước và sẽ đưa ra lộ trình cho mình. Tuy nhiên, để biến lộ trình thành thực tiễn chúng ta phải hành động, phải thay đổi tư duy, chỉnh sửa chính sách phù hợp thông lệ quốc tế. Đây là việc buộc phải làm nhưng việc thực hiện làm sao tránh thất bại và trả giá quá đắt, do đó cần phải lường trước những khó khăn.
Bộ Tài chính cam kết sẽ là đầu mối tập hợp những ý kiến đóng góp cho việc xây dựng, áp dụng IPSAS thành công.