Bức tranh siêu đô thị TP HCM
Theo dự báo, đến năm 2025 TP. HCM có 10 triệu dân và sẽ là một “siêu đô thị” tầm cỡ trên thế giới, xét về qui mô dân số. Để trở thành một thành phố hiện đại cũng như đáp ứng cho nhu cầu dân số gia tăng, TP xác định sẽ gắn kết với vùng đô thị TP. HCM (gồm TP. HCM và bảy tỉnh là Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang); đồng thời mở rộng phát triển theo bốn hướng, xây dựng các khu đô thị vệ tinh. Đã có nhiều ý kiến đề xuất nên dời khu trung tâm chính của TP sang khu thị mới Thủ Thiêm, tuy nhiên TP vẫn khẳng định khu trung tâm chính (hạt nhân) vẫn là khu vực hiện nay và mở rộng sang Thủ Thiêm.
Trọng tâm Đông Bắc
Một trong những hướng chính được TP xác định để phát triển các khu đô thị vệ tinh là hướng đông bắc, gắn với huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương và Biên Hòa của Đồng Nai. Các vùng của TP giáp ranh với khu vực này là quận 2, 9 và Thủ Đức. Hướng này là cửa ngõ của TP đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc, đồng thời được xác định là hướng phát triển chính với khu đô thị mới Thủ Thiêm, một trung tâm gắn liền với quận 1, 3. Chính vì vậy đã có sự ưu tiên đáng kể trong việc đầu tư hạ tầng cho hướng này với các dự án đã và đang triển khai như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, dự án đại lộ Đông - Tây, tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây…cùng với các tuyến giao thông hiện hữu như Liên tỉnh 25B, xa lộ Hà Nội… sẽ tạo bộ khung về hạ tầng, giúp khu vực này có thêm động lực để phát triển. Một số dự án cầu đường nối TP. HCM với Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng đang được tính đến…
Hạt nhân của khu vực này có thể kể đến là Khu công nghệ cao qui mô 872ha, khu Đại học Quốc gia 800ha và một số khu chức năng khác để hình thành khu đô thị - khoa học - công nghệ tại quận 9 và Thủ Đức… Động lực đáng kể nhất giúp khu vực này phát triển là sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai). Nếu như sân bay Tân Sơn Nhất (công suất phục vụ 15 - 17 triệu lượt hành khách, chiếm khoảng một nửa tổng số khách sử dụng sân bay tại Việt Nam) là một trong những yếu tố góp phần cho sự phát triển của TP. HCM thì sân bay quốc tế Long Thành sẽ là động lực của hướng đông - bắc. Sân bay này cách TP. HCM khoảng 40km, dự kiến xây dựng tại khu đất có diện tích 5.000ha (gấp sáu lần diện tích sân bay Tân Sơn Nhất), được thiết kế với hệ thống kỹ thuật gồm bốn đường băng và bốn nhà ga, đáp ứng việc vận chuyển 70 triệu lượt hành khách/năm. Đây sẽ là sân bay lớn nhất khu vực trong tương lai.
Chú ý hướng Nam
Một hướng chính thứ hai được TP xác định là hướng Nam - Đông Nam tiến ra biển, gắn với huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ và Nhơn Trạch - Long Thành của Đồng Nai. So với các khu vực khác, hạ tầng khu vực này phát triển khá tốt mà tâm điểm là khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Hạ tầng chính khu vực là đại lộ Nguyễn Văn Linh hướng về Bình Chánh, đại lộ Nguyễn Hữu Thọ hướng về Nhà Bè. Tại đây cũng đang hình thành khu đô thị Nam Sài Gòn và khu đô thị - cảng Hiệp Phước khoảng 3.900ha đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Riêng hướng về Cần Giờ đang triển khai tuyến đường Rừng Sác và khu đô thị lấn biển hơn 820ha…
So với các hướng khác của TP, hướng Nam - Đông Nam phát triển với tốc độ khá nhanh. Dù không được xác định là hướng chính để phát triển nhưng với ưu điểm là hạ tầng tốt, gần trung tâm TP, thuận lợi cho cảng biển… nên vùng đất này “bật dậy” khá nhanh nhờ được nhiều nhà đầu tư chú ý và thu hút khá đông dân cư đến sinh sống. Việc phát triển khu vực này cũng đang kéo các vùng đất khác của Long An phát triển theo với những khu công nghiệp, dự án khu dân cư đang được hình thành. Đây là vùng đất nhiều tiềm năng trong tương lai.
Tuy nhiên, điều lo ngại của các nhà khoa học là vùng đất này yếu nên việc xây dựng các công trình lớn sẽ khó khăn. Mặt khác nơi này cũng là vùng trũng, là túi chứa nước cho TP, nếu xây dựng với mật độ dày thì tình trạng ngập tại khu trung tâm sẽ gia tăng.
Chờ động lực
Hai hướng còn lại được TP xác định là hướng phát triển phụ, đó là hướng Tây Nam và hướng Bắc - Tây Bắc. Dù được xem là hướng phụ nhưng hướng Tây Nam đang phát triển khá nhanh với khu công nghiệp Tân Tạo, các khu đô thị mới tại quận Bình Tân… Hạ tầng khu vực này đang được đầu tư khá lớn như đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương, một số dự án giao thông khác như tuyến metro từ trung tâm TP về Bến xe miền Tây, đường sắt TP. HCM - Cần Thơ… cũng đang được cơ quan chức năng tính đến. Đây có thể nói là cửa ngõ quan trọng của TP nhưng trước nay việc vận chuyển hàng hóa thường bằng phương tiện giao thông thủy. Nhưng nếu quan tâm đến đầu tư đường bộ như các dự án trên thì khoảng cách từ TP. HCM về miền Tây sẽ rút ngắn đáng kể.
Một nhược điểm trong quá trình phát triển của hướng Tây Nam trong thời gian qua là rất nhiều khu dân cư phát triển tự phát nhằm đáp ứng cho nhu cầu dân số gia tăng nhanh ở vùng này. Nhưng trong tương lai, hướng Tây - Nam này sẽ phát triển nhiều khu đô thị mới thuộc huyện Bình Chánh, quận Bình Tân gắn với các khu công nghiệp tập trung…
Hướng phụ còn lại là phát triển về phía Bắc - Tây Bắc. Hướng này gắn với huyện Củ Chi, Hóc Môn và khu vực chạy dọc theo Quốc lộ 22 - trục Xuyên Á, nối với Tây Ninh, Campuchia. Đây là địa bàn rất thuận lợi và dễ tiếp cận với các tỉnh miền Đông cũng như miền Tây là Bình Dương, Tây Ninh, Long An.
Có thể nói thời gian qua, Nhà nước đã có sự ưu tiên đáng kể khi đầu tư hạ tầng cho khu vực này như đường Xuyên Á và đường Trường Chinh để nối cửa ngõ về phía Bắc. Nhưng nhìn chung hướng này phát triển còn chậm, đô thị chưa hoàn chỉnh nên chưa thu hút được dân cư đến đây sinh sống. Trong tương lai, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi với diện tích khoảng 6.000ha và một số khu đô thị tại quận 12, huyện Hóc Môn phát triển sẽ tạo động lực, kéo vùng này phát triển.
* TP.HCM có diện tích tự nhiên hơn 2.000km2, so với cả nước chỉ chiếm 6% diện tích. Dân số chiếm khoảng 7% dân số cả nước nhưng đã đóng góp 18,5% GDP của cả nước, 29% giá trị sản xuất công nghiệp, 24% tổng mức bán lẻ hoàng hóa và dịch vụ, 38% kim ngạch xuất khẩu và gần 1/3 tổng thu ngân sách của cả nước.
* Theo tờ trình điều chỉnh qui hoạch chung xây dựng TP. HCM đến năm 2025 mà Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ, dự báo dân số TP đến năm 2025 khoảng 10 triệu người và khách vãng lai khoảng 2,5 triệu người. Trong số 10 triệu người ở TP thì có khoảng 7 - 7,4 triệu người ở khu vực nội thành, khu vực ngoại thành 2,6 - 3 triệu người. Đất xây dựng đô thị khoảng 90.000-100.000ha, trong đó khu nội thành khoảng 49.000ha, ngoại thành khoảng 40.000 - 50.000ha.