Canada mắc kẹt sau thỏa thuận thương mại bất thành với EU

Theo Reuters, kỳ vọng EU và Canada ký kết thỏa thuận trong tuần này vừa tan biến hôm 24.10 sau khi chính phủ liên bang Bỉ không giành được sự đồng ý cần thiết từ chính quyền địa phương để phê duyệt. Hiệp định với EU sẽ mở đường để Canada có ưu đãi tiếp cận với thị trường 500 triệu người, lớn hơn Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) tại thời điểm mối quan hệ Mỹ - Canada đang chịu áp lực. 75% hàng nhập khẩu của Canada đến Mỹ.
 
“Chúng tôi là một trong những nước phụ thuộc nhiều nhất trên thế giới nếu xét khía cạnh thương mại. Thỏa thuận này thất bại sẽ là sự thất vọng lớn”, cựu lãnh đạo Quebec Jean Charest, người khởi xướng cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại EU - Canada trong nhiệm kỳ của ông, cho biết.
 
Thất bại của hiệp định thương mại với EU sẽ đẩy Canada vào tình thế tuyệt vọng với khu vực xuất khẩu chậm chạp trong tình thế mà giới hoạch định chính sách nỗ lực để tránh: quá phụ thuộc vào Mỹ, nơi mà cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều đang bàn đến chuyện thay đổi NAFTA.
 
Để hiệp định kinh tế và thương mại CETA được thông qua là nhiệm vụ quan trọng cho Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người thúc giục các nước khác chống chủ nghĩa bảo hộ kể từ khi nhậm chức hồi tháng 11.2015. Giới chức Canada hiện nỗ lực hết mình, vượt qua trở ngại mà CETA vấp phải tại nhiều nước châu Âu.
 
Tuy vậy, trên đường thực hiện mục tiêu, Canada đã nhượng bộ và việc này có thể khiến đất nước kém hấp dẫn hơn trong mắt các đối tác thương mại tiềm năng tương lai. Canada đồng ý với các quy tắc bảo vệ nhà đầu tư thấp hơn để giúp chính phủ có nhiều quyền lực hơn trong việc giám sát, quản lý các doanh nghiệp ngoại. Những quy định mới sẽ điều tiết các thỏa thuận thương mại có thể có trong tương lai.
Nhu cầu đa dạng hóa khỏi Mỹ là một trong những lý do khiến ông Trudeau tuyên bố sẽ thúc đẩy thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ. Cảnh trắc trở của CETA sẽ khiến Canada có thêm lý do tiếp đà thúc đẩy tiến độ các cuộc đàm phán.