Đến lúc chấm dứt chiến lược nhân công giá rẻ?
Chính phủ vừa ban hành hai nghị định số 97 và 98 điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ ngày 1.1.2010.
Đây là lần điều chỉnh thứ ba trong lộ trình thống nhất tiền lương tối thiểu giai đoạn 2008 – 2012 giữa các loại hình doanh nghiệp đã được phê duyệt. Đây cũng là lần tăng lương tối thiểu thứ sáu kể từ năm 2003 tới nay. Với những lần tăng lương tối thiểu liên tiếp này, lợi thế sức lao động rẻ liệu có đang dần mất đi?
Những nhà đầu tư nước ngoài vốn coi giá nhân công rẻ là một cân nhắc quan trọng trong quyết định đầu tư tại nước ta đương nhiên sẽ không hài lòng với việc liên tiếp tăng lương tối thiểu.
Ngay tại những buổi lấy ý kiến các đại diện doanh nghiệp cho hai dự thảo nghị định 97 và 98, đại diện tổng liên đoàn lao động kiến nghị, mức tăng lương tối thiểu ở các doanh nghiệp FDI còn thấp và chưa đảm bảo đời sống thực tế cho người lao động.
Trong khi đó, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp FDI lại cho rằng mức tăng đó là quá cao và kiến nghị chỉ nên tăng 7% thay vì mức dự kiến từ 9 – 11%.
Nhưng cuối cùng lương tối thiểu ở doanh nghiệp FDI cũng vẫn tăng ở phương án cao. Lý do chính là lộ trình thống nhất tiền lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp đã được phê duyệt. Gần như chắc chắn tới năm 2012, mức lương tối thiểu theo vùng của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI phải bằng nhau, đảm bảo sự bình đẳng trong cạnh tranh thu hút lao động. Tuy nhiên, khi lương tối thiểu chưa được thống nhất, các doanh nghiệp FDI vẫn đang bám vào mức lương tối thiểu để trả công cho người lao động. Thu nhập của người làm công chỉ cao hơn mức lương tối thiểu không đáng kể.
Chính sách tiền lương thấp thể hiện qua các quy định luật pháp đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài không bị “vỡ mộng” và việc tăng lương tối thiểu liên tiếp đã khiến nhiều chuyên gia cho rằng lợi thế giá nhân công rẻ ở nước ta không còn nữa. Nhưng nếu đặt tiền lương tối thiểu trong tương quan với định mức lao động tại các doanh nghiệp FDI thì đúng là các doanh nghiệp đang “tận dụng” lợi thế này.
Ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng bộ Lao động, thương binh và xã hội khi còn là vụ trưởng vụ Lao động – tiền lương của bộ này đã thừa nhận, ở các doanh nghiệp FDI, định mức lao động thường được đưa trực tiếp từ nước ngoài vào mà không được xây dựng trên cơ sở thể chất của người Việt Nam và điều kiện làm việc cụ thể của doanh nghiệp. Thậm chí nhiều doanh nghiệp lấy năng suất của những lao động tay nghề cao để quy thành định mức lao động chung.
Kết quả là, để đạt được mức lương theo định mức, người lao động phải kéo dài thời gian làm việc với cường độ căng thẳng. Như vậy, đồng lương trả cho người lao động quá rẻ so với công sức họ bỏ ra. Những cuộc đình công liên tiếp đòi tăng lương cho thấy điều đó.
Trong thực tế, việc lương tối thiểu tăng liên tiếp trong mấy năm trở lại đây như một cách bù đắp thu nhập cho người lao động sau một thời gian quá dài chính sách tiền lương tối thiểu thấp được duy trì để thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhưng lương tối thiểu cho dù có tăng vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu giúp người lao động có thể tồn tại được để làm việc. Nghiên cứu rổ hàng hoá để lượng hoá mức lương tối thiểu được viện Khoa học lao động và xã hội thực hiện từ năm 2006 cho thấy, tại thời điểm đó lương phải đạt 650.000đ/tháng mới đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người lao động, trong khi phải đến tháng 5.2009 mới đạt được mức này. Rõ ràng việc duy trì mức lương tối thiểu thấp trong nhiều năm với chiến lược nhân công giá rẻ, buông lỏng kiểm soát cách trả công cho người lao động đang khiến cho người lao động phải gánh chịu hậu quả.
Cách đây bốn năm, ông Chang Hee Lee, chuyên gia cao cấp về tiền lương của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã bình luận, chính sách tiền lương thấp thể hiện qua mức lương tối thiểu thấp đã khiến cho người lao động dù có làm việc với cường độ cao cũng không đủ sống. Bởi vậy, ông Chang Hee Lee gọi những nước duy trì chính sách tiền lương thấp là những nước “làm việc cật lực nhưng vẫn nghèo”.