Tái cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa sống còn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Kế hoạch về tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 không phải là một đề án mới, mà là một bước tiếp nối để cập nhật, bổ sung những điểm mới cho giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kế hoạch đã tập trung mạnh vào những nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện nhằm thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn quá trình tái cơ cấu kinh tế, bởi lẽ, nếu chúng ta không nhận thức đúng, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, có ý nghĩa sống còn để hành động quyết liệt hoặc làm chậm quá trình này thì chúng ta sẽ rất khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tận dụng tốt các cơ hội phát triển trong hội nhập, thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới trong khi chúng ta đang tụt hậu xa hơn so với thế giới và khu vực.
Nếu chúng ta không làm với quyết tâm cao thì chúng ta không thể có động lực để thúc đẩy tái cơ cấu nhanh và quyết liệt được, từ đó làm cho kinh tế đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn, đó là nợ công, bội chi, cũng như không thể đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, tái cơ cấu kinh tế là một nội dung lớn, quan trọng và cấp bách của nước ta hiện nay, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững vì con người và lấy lợi ích con người làm trọng tâm. Đồng thời, đây cũng là vấn đề rất khó, phức tạp, phạm vi rộng, từ tư duy, tầm nhìn, quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận, đến thể chế, nguồn lực và lợi ích.
Bên cạnh những công việc cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đổi mới một cách mạnh mẽ hơn, thì việc đầu tiên chúng ta phải làm là tạo được sự nhận thức, sự đồng thuận cao trong các cấp, các ngành và toàn xã hội.
“Trong 2 ngày thảo luận, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, Chính phủ xin được tiếp thu và tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh Kế hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Theo Bộ trưởng, bản chất của tái cơ cấu kinh tế là một quá trình sắp xếp, cơ cấu lại nền kinh tế với một quy mô lớn hơn và với tốc độ nhanh hơn để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là một đòi hỏi khách quan của quá trình vận động và phát triển, trong một thời điểm nhất định, nền kinh tế cần có sự thay đổi để chuyển sang một trạng thái mới tốt hơn, ở trình độ cao hơn.
Quan điểm của tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng; xây dựng Nhà nước kiến tạo, cơ chế thị trường ngày càng giữ vai trò quyết định trong việc huy động và tranh thủ các nguồn lực phát triển; xây dựng mục tiêu, chi tiêu cụ thể, có những giải pháp đột phá, có trọng tâm trọng điểm; chủ động hội nhập quốc tế; thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh và bền vững…
“Bên cạnh các quan điểm nêu trên, các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại hội trường cũng nhấn mạnh quan điểm về ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đây là quan điểm rất xác đáng và cơ quan chủ trì soạn thảo Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 xin được tiếp thu và sẽ làm rõ hơn quan điểm này trong Kế hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt trong tái cơ cấu là cần tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở giảm dần, tiến tới xóa bỏ cách tiếp cận hành chính, thiếu hiệu quả, hiểu sai các nguyên tắc thị trường trong các quyết định kinh tế; lấy khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân làm động lực để tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời, tái cơ cấu kinh tế là để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới là tăng trưởng dựa trên năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh và bền vững với những đặc điểm lớn như: Phương thức tăng trưởng là kết hợp hiệu quả giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng chiều sâu; chuyển dần sang dựa vào đồng thời cả đầu tư và xuất khẩu; thực hiện trên nền tảng thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…
Định hướng là tăng trưởng nhanh và bền vững, hiệu quả, coi trọng yếu tố con người; trong đó giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân.
Động lực tăng trưởng phải lấy nội lực làm yếu tố quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng và mang tính đột phá; lấy phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.