‘Doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm đầu tư vào Việt Nam’
Ông Karashima Hiroshi, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Ngô Hạnh
Trong số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư ở Việt Nam, Nhật Bản đang là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn lên tới 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2017. Theo ông, điều gì đã khiến các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản rót nhiều vốn vào Việt Nam như vậy?
Ông Karashima Hiroshi: Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Chính phủ Việt Nam dành nhiều sự quan tâm đến việc cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho các DN Nhật Bản đầu tư kinh doanh.
Việc tạo điều kiện ấy được thực hiện ngay từ những bước đầu cơ bản cho đến khi thực hiện các kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, trong buổi làm việc của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam với các DN Nhật, đại diện nhiều DN của chúng tôi đã có cơ hội được bàn luận rất cởi mở và thẳng thắn với lãnh đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi còn yên tâm vì có sự cam kết chắc chắn từ lời nói cho đến hành động của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đang ngày càng nỗ lực điều chỉnh và hạn chế được nhiều bất cập.
Ví dụ như việc nhập khẩu các loại máy móc cũ vào thị trường Việt Nam. Ở lĩnh vực cụ thể này, Chính phủ Việt Nam đã lắng nghe ý kiến, đề xuất và hiểu được những khó khăn của DN. Từ đó tháo gỡ cho chúng tôi.
Chúng tôi hy vọng và mong muốn thông qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin với đại diện lãnh đạo của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước thời gian tới, những khó khăn của cộng đồng DN Nhật Bản sẽ được giải quyết.
Mới đây, Hiệp hội cũng như nhiều đại diện lãnh đạo DN Nhật Bản đã có buổi làm việc với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính do ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP làm Chủ tịch. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của buổi làm việc này cũng như vai trò của Văn phòng Chính phủ trong việc góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN và việc phối hợp xử lý các vấn đề với các bộ ngành?
Ông Karashima Hiroshi: Tôi luôn mong đợi và an tâm vì ngài Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rất quan tâm và khẳng định “Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện cho DN hoạt động và sẽ tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc mà DN đang phải đối mặt”.
Trong cuộc họp với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính có sự tham dự của các bộ, ngành, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động nước ngoài tại Việt Nam. Hằng năm, các nhân viên người Nhật thường phải đóng từ 4.000-5.000 USD cho bảo hiểm. Việc đóng song trùng bảo hiểm xã hội không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn là bất cập tại nhiều nước trên thế giới và được xem là vướng mắc chung của các DN nước ngoài. Tôi hiểu rằng để giải quyết được vướng mắc này thì cần một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam, cụ thể là Bộ LĐTB&XH đã xem xét ý kiến của chúng tôi và đưa ra đề xuất về việc điều chỉnh theo hướng thu hẹp lại phạm vi đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chúng tôi rất hy vọng vào sự điều chỉnh này.
Thưa ông Hiroshi, trong năm mới 2018, các DN Nhật Bản kỳ vọng gì trong việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, ông có đề xuất, kiến nghị gì để việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thêm hiệu quả?
Ông Karashima Hiroshi: Trong cảm nhận của cá nhân, tôi thấy năm 2018 thị trường Việt Nam sẽ có sự khởi sắc nhất định và các DN nước ngoài ở Việt nam có thể có tương lai xán lạn.
Ví dụ như qua điều tra của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Việt Nam trở thành thị trường số 1 trong khu vực châu Á mà các DN Nhật Bản nhắm tới. Các DN Nhật Bản đầu tư và hoạt động tại Việt Nam là thành viên của Hiệp hội chúng tôi đến nay đã lên đến con số 1.750 công ty (chỉ sau số công ty Nhật Bản hoạt động tại Thái Lan).
Điều này phần nào cho thấy hiệu quả kinh doanh của các DN Nhật tại Việt Nam đang dần tiến tới và bắt kịp với các công ty Nhật Bản tại Thái Lan.
Theo kết quả điều tra về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Nhật Bản từ vị trí thứ 2 đã vươn lên đứng số 1 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư 12 tháng qua của các DN Nhật đạt 9,11 tỷ USD. Tôi tin tưởng rằng đây là nền tảng tốt để DN Nhật Bản tiếp tục phát triển.
Tôi cũng cho rằng chính việc cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tạo niềm tin để các DN Nhật Bản không chỉ đầu tư vào mảng sản xuất mà còn mở rộng sang lĩnh vực cung cấp dịch vụ, thương mại, cung cấp hàng hoá tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản tại Việt Nam.
Đây là sẽ mảng đầu tư mà chúng tôi sẽ chú trọng ở Việt Nam.