Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu tốt

 
Ngân hàng Standard Chartered cho rằng “nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu tốt” và những ứng phó kịp thời trước khủng hoảng cho thấy các nhà chính sách đã nhanh nhạy trong việc học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm.
 
Tín hiệu khả quan
 
Trong báo cáo này trưởng Bộ phận nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của ngân hàng Standard Chartered Tai Hui cho rằng “cán cân thương mại của Việt Nam đang chuyển từ thâm hụt sang thặng dư."
 
Tính riêng quý I năm nay, Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại là 1,6 tỉ USD, trong khi đó, cùng kỳ năm trước Việt Nam chịu mức thâm hụt là 8,4 tỉ USD.
 
"Đây là kết quả của sự suy giảm hoạt động nhập khẩu, mà một phần là do giá cả hàng hoá sụt giảm mạnh, đặc biệt là các sản phẩm thép và dầu thô”, ông Tai Hui nói và cho biết thêm rằng với việc nhà máy lọc dầu đầu tiên đi vào hoạt động trong năm nay, Việt Nam sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn từ việc giá dầu thô tăng cao.
 
Trong khi đó, xuất khẩu đã tăng trở lại trong tháng Hai và tháng Ba đạt mức tương ứng 25,9% và 12,9% sau ba tháng liên tục suy giảm từ tháng 11/2008 đến tháng 1/2009.
 
Cùng với sự cải thiện này, lạm phát trong tháng Ba cũng đạt mức thấp nhất kể từ cuối năm 2007, chỉ còn 11,2% sau khi lên đỉnh điểm 28,3% vào tháng 8/2008.
 
Theo ông Tai Hui lạm phát có thể sẽ giảm xuống mức thấp một con số vào nửa cuối năm 2009 với điều kiện giá dầu và thực phẩm vẫn ổn định trong năm nay. Đặc biệt tâm lý ảm đạm trên toàn cầu vẫn chưa ảnh hưởng tới tiêu dùng trong nước, khiến doanh số bán lẻ cho các hộ gia đình vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định.
 
“Điều đáng ngạc nhiên là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa ảnh hưởng mạnh tới nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”, ông Tai Hui khẳng định.
 
Quý I năm nay, Việt Nam đã thu hút tới 6 tỉ USD vốn đăng ký FDI, cao hơn so với 5,2 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái.
 
Quyết sách nhanh nhạy
 
Những tín hiệu trên trái ngược với con số cách đây 12 tháng khi nền kinh tế đối mặt với thâm hụt thương mại, lên tới 9% GDP và lạm phát, đạt đỉnh 28,3% trong tháng 8/2008.
 
Cả hai vấn đề đã lắng lại “sau những động thái tăng lãi suất liên tục của Ngân hàng Nhà nước và sự sụt giá mạnh của thực phẩm và năng lượng trên toàn cầu”.
 
Nền kinh tế giờ đây lại đối mặt với thách thức bên ngoài chứ không phải nội tại gồm thách thức về xuất khẩu và sự yếu đi của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay và 2010, ông Tai Hui dự đoán.
 
Theo báo cáo của Standard Chartered “Đứng trước bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã gỡ bỏ các mức lãi suất” và “Chính phủ đã đưa ra những chính sách tài khoá khác nhau để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bao gồm việc hỗ trợ lãi suất và hoãn thuế thu nhập cá nhân”.
 
Chính phủ cũng đã nhạy bén trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cơ bản xuống 7% vào đầu tháng 4/2009 từ 14% trong tháng 9/2008.
 
Trong khi đó, các nhà chính sách cũng cho phép đồng VND mất giá hơn so với USD theo xu hướng tiền tệ trong khu vực. Từ cuối tháng 9 năm 2008, giá trị đồng VND đã giảm 7%.
 
Triển vọng trung hạn
 
Những quyết sách trên đã mang lại những tín hiệu khả quan cho nền kinh tế mặc dù năm 2009 là một năm khó khăn cho nền kinh tế trong nước và khu vực.
 
“Một số nhân tố về cơ cấu sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển và chúng tôi vẫn tin vào viễn cảnh tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam”, ông Tai Hui khẳng định.
 
Dựa vào sự phát triển của các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á, các chuyên gia của Standard Chartered cho rằng sức tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong 6-7 năm tới.
 
Không những vậy, Standard Chartered còn đưa ra nhận định Việt Nam là đích đến của các doanh nghiệp quốc tế vì Việt Nam có một hệ thống chính trị ổn định và chi phí sản xuất thấp.
 
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã thu nhận được nhiều bài học từ những quốc gia láng giềng. “Kinh nghiệm từ những nền kinh tế châu Á là ví dụ cho họ khi quyết định chính sách phù hợp nhất để thúc đẩy tăng trưởng. Theo quan điểm của chúng tôi, thị trường nội địa bị xáo trộn trong quý II và quý III năm ngoái cùng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy các nhà chính sách đã nhanh nhạy trong việc học hỏi và áp dụng,” ông Tai Hui khẳng định.
 
Standard Chartered cũng vẫn giữ nguyên mức dự đoán trước đó về kinh tế Việt Nam rằng kinh tế sẽ tăng trưởng 4,2% năm 2009 và 5% năm 2010.
 
“Mặc dù chỉ số tăng trưởng này có thể thấp hơn so với kỳ vọng của Chính phủ nhưng đó vẫn sẽ là một kết quả đáng tự hào so với viễn cảnh trong khu vực”, ông Tai Hui cho biết.