Giá điện tăng đến bao giờ?

Trong vòng 10 năm qua, giá điện đã tăng 6 lần thì chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, giá điện đã tăng tới 3 lần, vậy thưa ông, giá điện sẽ còn tăng tới bao giờ?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định, đến năm 2013, một số mặt hàng chủ yếu ,trong đó có giá điện phải tiệm cận với giá thị trường. Giá thị trường tức là phải tính toàn bộ các yếu tố hình thành nên giá phát điện. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế xã hội, sức chịu đựng của nền kinh tế và các chỉ tiêu cân đối vĩ mô, Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ cân nhắc, tính toán việc tăng giá, mức độ tăng giá. Giá thị trường là giá tính toán dựa trên sự biến động đầu vào các chi phí hình thành nên giá điện còn các khoản lỗ do ngành điện, mà cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư ngoài ngành thì EVN phải tự xử lý, không tăng giá điện để xử lý những khoản lỗ này.

Thế còn các khoản lỗ trực tiếp liên quan đến sản xuất-kinh doanh điện của các năm trước thì sao?

Năm 2010, do hạn hán, EVN phải mua điện với giá cao nên bị lộ 8.000 tỷ đồng, ngoài ra EVN còn bị lỗ hơn 15.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá. Khoản lỗ này, về nguyên tắc phải được hạch toán vào giá điện vì liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh điện còn việc xử lý thế nào phải có lộ trình, chứ không thể đưa vào giá điện ngay một lúc.

Thế nhưng, việc tăng giá điện nhiều khả năng sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Bộ Công thương đã tính tới việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới lạm phát thế nào chưa, thưa ông?

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng thêm 5% thì chỉ số giá tiêu dùng năm nay sẽ tăng 0,369%.

Thực hiện theo cơ chế thị trường thì giá phải có lúc tăng, lúc giảm, nhưng chưa bao giờ giá điện tại Việt Nam giảm?

Vì tất cả các yếu tố hình thành nên giá điện chưa khi nào giảm khiến suất đầu tư vào các nhà máy điện trong mấy năm gần đây tăng rất mạnh. Đơn cử, cách đây 4-5 năm, các dự án xây dựng nhà máy điện chỉ phải vay vốn với lãi suất 13-14%/năm, nhập khẩu thiết bị với tỷ giá 15.000-16.000 đồng/USD thì bây giờ, họ phải vay vốn đầu tư với lãi suất 18-19%/năm, nhập khẩu thiết bị, máy móc với tỷ giá 20.000 đồng - 21.000 đồng/USD. Ngoài ra, còn hàng loạt chi phí đầu vào khác cũng tăng. Hơn nữa, giá điện của chúng ta cũng chưa tiếp cận với giá thị trường, chưa bán đúng giá thị trường nên chưa giảm giá điện cũng là bình thường. Sau này, khi chúng thiết lập được giá điện theo giá thị trường thì mỗi khi các yếu tố đầu vào cho sản xuất điện giảm giá điện cũng có khả năng được điều chỉnh giảm.

Có ý kiến cho rằng, giá điện của Việt Nam cao là do tổn thất quá lớn?

Có thể khẳng định, tổn thất điện năng của Việt Nam cao nhưng không phải quá cao. Cụ thể, Bộ Công thương đặt ra chỉ tiêu tổn thất điện năng cho năm 2009 là 9,8%, năm 2010 là 10%, năm 2011 là 9,5%. Trong 3 năm vừa qua, EVN chỉ để tổn thất điện năng tương ứng là 9,57%; 10,5% và 9,23%. 

Bộ Công thương đặt chỉ tiêu tổn thất điện năng năm 2012 là 9,2%, năm 2013 là 9,3%, năm 2014 là 9,24%, năm 2015 là 9,07% và năm 2016 là 8,9%. So với nhiều nước trên thế giới, chỉ tiêu tổn thất điện năng của Việt Nam đúng là còn cao, nhưng phải xử lý trong bài toán hiệu quả kinh tế là suất đầu tư để giảm tổn thất điện và số tiền có thể thu được do giảm được tổn thất điện.

Trong khi nhiều nước trên thế giới, giá điện sinh hoạt thường rẻ hơn giá điện sản xuất, còn ở Việt Nam thì ngược lại, vì sao lại có tình trạng này?

Giá điện bán cho sản xuất bình quân hiện nay là 1.304 đồng/kWh, thấp hơn giá điện sinh hoạt (bình quân là khoảng 1.400 đồng/kWh). Thực tế chỉ có hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhiều điện mới phải trả giá điện cao hơn giá điện sản xuất.

Chúng ta để giá bán điện sinh hoạt cao là nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Hơn nữa, điện là đầu vào của nền kinh tế, nếu để giá cao sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến khả năng cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước và tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Như vậy, nếu giá điện cho sản xuất cao thì cuối cùng, người tiêu dùng phải chịu.