Giảm cấp phát, tăng cho vay lại vốn ODA
Thưa ông, Việt Nam đã ký kết được bao nhiêu vốn ODA và vốn tín dụng ưu đãi?
Trong giai đoạn 2005-2015, tổng vốn ODA và vốn tín dụng ưu đãi ước vào khoảng 45 tỷ USD. Nếu cộng cả số vốn đã ký kết trong 11 tháng năm 2016, thì tổng vốn ODA đã ký kết lên tới 50,139 tỷ USD.
Nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển y tế, giáo dục, đào tạo; phát triển nông nghiệp kết hợp với xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…
.
.
Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Theo quy định của Ngân hàng Thế giới (WB) mức độ ưu đãi đối với các quốc gia không nằm trong danh sách có thu nhập thấp sẽ giảm đi?
Mức độ ưu đãi của các khoản vay ODA và vốn vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Trước năm 2010, thời hạn cho vay bình quân 30 - 40 năm, trong đó có cả thời gian ân hạn; chi phí vay chỉ 0,7 - 0,8%/năm. Nhưng kể từ năm 2010 trở lại đây, thời hạn vay chỉ còn 10 - 25 năm, với chi phí vay tăng lên 2%/năm, nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp. Nhiều khả năng, kể từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không được vay vốn ODA nữa.
Cơ sở nào mà ông dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam không được vay vốn ODA nữa?
Thông thường, vào tháng 7 hàng năm, WB - định chế tài chính viện trợ vốn ODA lớn nhất - tổ chức cuộc họp để thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có việc xem xét danh sách các quốc gia được sử dụng vốn ODA. Việt Nam và một số quốc gia khác đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nên nhiều khả năng không được tiếp tục sử dụng nguồn vốn này, bởi hoạt động chính của WB là cung cấp các khoản vay ưu đãi để thúc đẩy kinh tế các nước đang phát triển nhằm giảm thiểu đói nghèo.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tích cực vận động các nhà tài trợ tiếp tục cho Việt Nam vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải sẵn sàng chấp nhận việc không được vay vốn ODA nữa, mà phải vay nguồn vốn khác có ưu đãi thấp hơn, thời gian trả nợ nhanh hơn, lãi suất cao hơn và áp lực trả nợ lớn hơn. Trong trường hợp Việt Nam không tiếp tục được vay vốn ODA, thì cũng không quá sốc, bởi từ năm 2010 trở lại đây, thời hạn cho vay đã giảm rất mạnh, lãi suất cho vay tăng rất cao và trả nợ gốc và lãi tăng đều hàng năm. Nếu như bình quân giai đoạn 2005 - 2015, mỗi năm, chúng ta trả nợ khoảng 1 tỷ USD, thì chỉ trong vòng 11 tháng 2016 đã trả nợ hơn 1,466 tỷ USD, nhưng chúng ta vẫn luôn bảo đảm trả nợ đúng hạn, đúng cam kết.
Chúng tôi đang phối hợp với các chuyên gia WB xây dựng các kịch bản về tác động của trả nợ nhanh tới cân đối ngân sách nhà nước.
Không được vay vốn ưu đãi nữa là một thiệt thòi, vì vậy cần có cách thức để quản lý, sử dụng nguồn vốn kém ưu đãi hiệu quả hơn?
Trước năm 2015, chủ dự án sử dụng vốn ODA không quan tâm nhiều đến vốn đối ứng trong nước, dẫn tới tình trạng nhiều dự án bị thiếu vốn, thời gian thực hiện kéo dài, hiệu quả không cao. Nhưng kể từ năm 2015, các dự án sử dụng vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi chỉ được sử dụng nguồn vốn đối ứng trong dự toán hàng năm đã được Quốc hội phê duyệt.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 111/2016/TT-BTC quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Nói chung, các văn bản quy phạm pháp luật mới về vấn đề này đều siết chặt quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, tăng cường trách nhiệm của chủ dự án…
Thời gian tới thì sao, thưa ông?
Chúng tôi đang hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này trên tinh thần giảm cấp phát, tăng tỷ lệ cho vay lại. Đáng lưu ý là, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 78/2010/NĐ-CP quy định việc quản lý cho vay lại đối với UBDN cấp tỉnh từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi theo hướng địa phương được ngân sách trung ương bổ sung cân đối từ 70% trở lên phải vay lại tối thiểu 10% vốn vay ODA; địa phương được bổ sung cân đối từ 50% đến dưới 70% phải vay lại tối thiểu 20%; địa phương được bổ sung cân đối đến dưới 50% phải vay lại tối thiểu 30%; địa phương điều tiết về ngân sách trung ương phải vay lại tối thiểu 50%; riêng Hà Nội và TP.HCM phải vay lại tối thiểu 80% vốn vay ODA.
Cơ chế đó sẽ ràng buộc trách nhiệm của các địa phương, kể cả các địa phương chỉ phải vay lại một phần; 80 - 90% nguồn vốn ODA được cấp phát cũng thấy rõ trách nhiệm của mình trong sử dụng nguồn vốn đi vay qua đó nâng cao được trách nhiệm của chính quyền địa phương, nâng cao được hiệu quả sử dụng nguồn vốn.