Gói kích cầu đã “bấm đúng huyệt”
Có tạo ra tiền lệ?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) so sánh hai con số Chính phủ nói quy mô khoảng 8 tỉ USD, Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội (QH) nói có thể lên tới 9 tỉ USD, để chất vấn cơ sở nào Bộ Kế hoạch - đầu tư tham mưu Chính phủ đưa ra gói kích cầu lên tới gần 10% GDP, trong khi Mỹ bị khủng hoảng nặng nhất cũng chỉ dám chi 4,8% GDP. Việc chi nhiều tiền thế, liệu có xảy ra lạm phát? Ngoài ra, cho rằng nhiều khoản chi kích cầu thuộc thẩm quyền QH nhưng Chính phủ không báo cáo, ông Minh hỏi có phải Chính phủ tạo tiền lệ đặt QH trước việc đã rồi?
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định gói kích cầu của VN là đa mục tiêu và cho rằng mục đích của gói kích cầu không phải cứu ngân hàng mà là cứu doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Phúc, không thể đưa tiền trực tiếp cho doanh nghiệp nên phải thông qua ngân hàng. Nếu không bỏ tiền nhà nước hỗ trợ 4% lãi suất mà bắt ngân hàng tự giảm lãi, họ sẽ buộc phải giảm lãi suất huy động. Điều này, theo ông Phúc, rất nguy hiểm vì dân sẽ không gửi tiền nữa mà đem tiền đi mua USD, vàng. Ngân hàng, doanh nghiệp thiếu vốn, tất yếu công nhân sẽ mất việc làm. Vì vậy, ông Phúc khẳng định: “Qua phân tích, chính sách kích cầu của Chính phủ đã bấm đúng huyệt nên có hiệu quả”.
Về chất vấn Chính phủ có lạm quyền của QH, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc viện dẫn nhiều quy định để khẳng định Thủ tướng luôn chấp pháp, đảm bảo đúng luật. Như dùng 1 tỉ USD hỗ trợ lãi suất, ông Phúc thông báo Chính phủ làm đúng Luật ngân hàng.
Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh tái khẳng định tổng vốn kích cầu ước chỉ khoảng 8 tỉ USD và Chính phủ không bỏ qua QH. Theo ông Ninh, Chính phủ đã lấy vốn bằng cách chuyển phần vốn dùng chưa hết năm 2008 sang 2009. Việc ứng trước ngân sách thực hiện công trình quan trọng, phải hoàn thành trong năm 2009-2010 như kiên cố hóa kênh mương, làm nhà cho người nghèo... cũng thuộc thẩm quyền Chính phủ. Chính phủ chỉ điều hòa vốn trái phiếu Chính phủ tại các dự án dùng vốn trái phiếu nên cũng đúng thẩm quyền. Riêng thuế thu nhập cá nhân, QH không giao thì Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ QH và Bộ Chính trị trước mắt cho giãn, sau QH quyết thế nào sẽ thực hiện đúng như thế.
Không để tái lạm phát trên 10%
"Nếu đưa nhiều mức lãi suất sẽ nguy hiểm, khó quản lý, dễ xảy ra tham nhũng"
|
Trước lo lắng của nhân dân và chất vấn của đại biểu QH về khả năng tái lạm phát khi tiền kích cầu đưa ra rất nhiều, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói: “Tiền không đưa ra ồ ạt một lần mà có giai đoạn. Hiện nay mới đang ở bước đầu giai đoạn 2. Nếu có biến động thì sẽ điều chỉnh”, đồng thời cam kết không để tình trạng lạm phát mạnh như cuối năm 2007 xảy ra lần nữa.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) chất vấn: “Có nghiên cứu phản ứng phụ gói kích cầu?”. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết từ khi suy giảm kinh tế, Chính phủ đã dành hầu hết thời gian họp thường kỳ bàn việc liên quan đến chủ đề này. Ông Phúc khẳng định: “Chính phủ đã lường hết tác dụng phụ. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư đang bắt tay nghiên cứu, chúng tôi không nghiên cứu một lúc mà theo dõi liên tục từng tháng, sẽ có phản ứng và đối sách linh hoạt để giải quyết tình hình”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đưa ra con số cụ thể về khả năng lạm phát: Chính phủ sẽ giữ không tăng giá quá 10%. Theo ông Ninh, nguy cơ tái lạm phát đã được Chính phủ đặt ra ngay từ đầu, khi bắt đầu làm chính sách kích cầu. Vì vậy, trong điều hành, Chính phủ đã có chủ trương đề phòng để lạm phát không tăng cao trong cuối năm 2009 và cả năm 2010. Giải pháp chính, theo ông Ninh, sẽ đảm bảo cân đối tiền - hàng, kiên quyết không in tiền để tăng chi ngân sách.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết các nước đều nới lỏng tín dụng nhưng chưa nơi nào thấy tái lạm phát phức tạp. Công nhận lạm phát ở VN sẽ phụ thuộc nhiều vào giá dầu thô, ông Giàu kêu gọi các cơ quan, địa phương “cố gắng thực hiện hiệu quả gói kích cầu thì sẽ kiểm soát được lạm phát”.