Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc kêu gọi nhà đầu tư chiến lược

Cùng dự buổi lễ do tỉnh Thái Nguyên tổ chức có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.
 
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ trương của Đảng ta luôn xác định du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Sự kiện công bố quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc càng có ý nghĩa hơn khi năm 2016, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt con số kỷ lục trên 10 triệu và Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Theo Phó Thủ tướng, nói đến Thái Nguyên là nói đến văn hóa trà, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 của cả nước sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thắng cảnh hồ Núi Cốc, di tích cấp quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, cùng những nét văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc.
 
Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch về nguồn. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc nhằm giúp Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn nữa và khai thác tốt nhất những tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
 
Để triển khai, tổ chức thực hiện tốt nhất quy hoạch, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Thái Nguyên bám sát quan điểm, định hướng và mục tiêu đã được Thủ tướng phê duyệt. Phát triển du lịch nhưng phải hết sức coi trọng việc bảo tồn, gìn giữ và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái lòng hồ và khu vực hồ Núi Cốc. Đây là hồ đa mục tiêu, không chỉ để phát triển du lịch mà còn tạo hệ sinh thái, là một yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm cấp nước, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và phòng chống lũ của tỉnh Thái Nguyên.
 
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, quy hoạch này có tầm nhìn 10 – 15 năm, tỉnh phải coi trọng quản lý chặt chẽ quy hoạch, theo dõi để bổ sung điều chỉnh khi cần thiết, nhất là trong điều kiện công tác quản lý quy hoạch nói chung không ít nơi còn lơi lỏng.
 
Đề nghị tỉnh coi trọng việc kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào các dự án thuộc quy hoạch, Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh chú ý phát triển du lịch cộng đồng, coi người dân là chủ thể để phát triển du lịch.
 
“Nếu không có sự đồng thuận của người dân, không nâng cao đời sống văn hóa vật chất và tinh thần và phát triển du lịch cộng đồng thì bản thân  những khu du lịch dù tầm cỡ quốc gia hay quốc tế cũng khó phát triển bền vững được”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
 
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch hành động để triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, cốt lõi và trọng điểm là xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tái cơ cấu du lịch giai đoạn 2016 – 2020, trong đó chú trọng cả 3 nội dung chính là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch (gồm những hạ tầng du lịch tầm cỡ quốc gia), phát triển và bảo vệ môi trường du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đẳng cấp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Do đó, Thái Nguyên cần bám sát định hướng này để phát triển khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc không chỉ đạt tầm cỡ về hạ tầng mà còn tiêu biểu cho môi trường phát triển du lịch, đặc biệt là phải có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp, khác biệt và thấm đẫm văn hóa trà, văn hóa của các dân tộc Việt Bắc và trung du miền núi phía Bắc nói chung.
 
Tại lễ công bố, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức ký kết hợp tác đầu tư với 10 doanh nghiệp trong các lĩnh vực điện, hạ tầng, viễn thông, du lịch với tổng số vốn cam kết đầu tư trên 45.000 tỷ đồng.
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo các Bộ, ngành và tỉnh Thái Nguyên dự lễ động thổ xây dựng đường hồ Núi Cốc.
 
Trục phát triển mới của thành phố Thái Nguyên
 
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đến năm 2035 và khởi công các dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên.
 
Dự án này gồm 9 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP)-hợp đồng BT.
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm củng cố, phát triển thành phố Thái Nguyên là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ của các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc, thuộc tứ giác phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
 
Trong việc đầu tư, phát triển thành phố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh quá trình đô thị hóa phải gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
 
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh và thành phố Thái Nguyên xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai quyết liệt và quản lý có hiệu quả quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược vào phát triển địa phương.
 
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm đạt đa mục tiêu vừa trị thủy, vừa thủy lợi, vừa góp phần chỉnh trang phát triển đô thị theo hướng hiện đại, xanh, tạo dư địa và quỹ đất phát triển thành phố. “Chính phủ đề nghị Thái Nguyên coi dự án là trục phát triển mới của thành phố trong tương lai”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
 
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh, thành phố Thái Nguyên phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quan tâm thực hiện tái định cư, tạo việc làm cho người dân, nhất là nông dân trong vùng dự án; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tham nhũng, lãng phí.
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì cùng các bộ, ngành và địa phương xác định các chính sách ưu tiên, thẩm định, rà soát các dự án theo quy hoạch tới năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2035 để bảo đảm tính khả thi và mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội.
 
Ngày 18/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2228/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc.  Theo đó, diện tích vùng lõi tập trung phát triển thành khu du lịch quốc gia có diện tích 1.200 ha, không bao gồm diện tích mặt nước.
 
Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500ha (25km2) trải dài trên địa bàn 7 xã và cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 15 km, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái dưới nước rất phong phú.
 
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, khu du lịch sẽ đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế lưu trú là 10.000 lượt. Tới năm 2030, đón 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế lưu trú là 20.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 860 tỷ  đồng vào năm 2025 và tới 2030 là khoảng 2.000 tỷ đồng.
 
Khi đi vào hoạt động, khu du lịch dự kiến tạo việc làm cho khoảng 1.800 lao động, trong đó có khoảng 600 lao động trực tiếp và tới năm 2030 sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động, trong đó có khoảng 1.000 lao động trực tiếp.