Long đong những dự án ngoại
Ở cùng một địa điểm là Khu Đô thị mới Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội) nhưng 2 dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài là Mulberry Lane và Booyoung lại có 2 số phận hoàn toàn trái ngược nhau.
Trong khi Khu Căn hộ Mulberry Lane do công ty liên doanh CapitaLand - Hoàng Thành làm chủ đầu tư đang bước vào giai đoạn hoàn thiện thì tiến độ xây dựng Khu Chung cư Quốc tế Booyoung vẫn chậm như rùa, chưa biết đến khi nào mới xong. Dự án Booyoung được khởi công từ năm 2007, tức sớm hơn Mulberry Lane 2 năm. Với tốc độ hiện nay, Booyoung chắc chắn sẽ “đi trước” nhưng “về sau” rất xa.
Điều đáng nói là Booyoung chỉ là một trong số hàng chục dự án ngoại đang có số phận rất long đong.
Đâu đâu cũng chậm
Tình trạng bất động của những dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng rất phổ biến ở các thị trường nhỏ hơn như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điển hình tại Hải Phòng là 2 dự án một thời nổi đình nổi đám: Khu Đô thị Our City và Khu Thương mại Quốc tế Đông Thăng. Our City được cấp phép cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hiệp Phong Việt Nam (Hồng Kông) từ năm 2005 nhưng mãi đến năm 2008 mới được khởi công. Khởi công xong, Dự án lại nằm đắp chiếu và cho đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống. Khu Thương mại Đông Thăng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sau khi được khởi công vào năm 2008 với vốn đầu tư 26 triệu USD, khu đất xây dựng dự án này vẫn để cỏ mọc um tùm, buộc chính quyền Thành phố Hải Phòng mới đây phải quyết định rút giấy phép đầu tư.
Số phận của những dự án ngoại tại Đà Nẵng cũng hẩm hiu không kém. Công ty Daewon (Hàn Quốc) có 2 dự án lớn tại đây là Khu Đô thị Quốc tế Đa Phước và Khu Chung cư Cantavil với vốn đầu tư lần lượt 250 triệu USD và 80 triệu USD. Sau lễ khởi công vào năm 2008, Công ty đã tiến hành san lấp mặt bằng và thi công hạ tầng. Nhưng gần đây, cả 2 dự án hầu như án binh bất động. Một dự án khác là Jade Center (do một công ty Hàn Quốc làm chủ đầu tư) cũng chưa được triển khai dù đã được cấp phép cách đây vài năm.
Thậm chí, ở 2 thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM cũng không hiếm những dự án được khởi công hoành tráng cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn im lìm như Khu Phức hợp Times Square ở Hà Nội (vốn đầu tư 50 triệu USD) hay Trung tâm tài chính Việt Nam ở TP.HCM (930 triệu USD).
Có phải chỉ do đói vốn?
Các chủ đầu tư đã đưa ra không ít lý do để giải thích cho sự chậm trễ của những dự án ngoại. Chủ đầu tư dự án Khu Đô thị Halong Star tại Quảng Ninh, chẳng hạn, đã viện dẫn khó khăn của đối tác nước ngoài là Limitless World, khiến cho Dự án bị ngưng trệ mấy năm liền. Halong Star là khu đô thị 125 ha với 3 khách sạn hạng sang, khu biệt thự, nhà vườn, nhà phố và căn hộ. Dự án này được cấp phép cho liên doanh giữa Công ty Cổ phần Việt Mỹ Hạ Long và Limitless World, thuộc Tập đoàn Dubai World (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất). Vốn đầu tư đăng ký ban đầu chỉ có 220 triệu USD (khi Dự án được cấp phép năm 2007) và sau đó điều chỉnh lên 550 triệu USD. Nhưng sau lễ khởi công năm 2008, Limitless World không có vốn để rót tiếp do Dubai World phải cơ cấu lại các khoản nợ lên đến hàng chục tỉ USD. Mới đây, Dự án đã được tỉnh Quảng Ninh cho phép lùi thời hạn hoàn thành đến năm 2015, tức muộn hơn 2 năm so với dự kiến ban đầu.
Đói vốn là nguyên nhân phổ biến cho tình trạng bất động của các dự án có vốn đầu tư đăng ký rất lớn nhưng không triển khai được, buộc chính quyền địa phương phải rút giấy phép đầu tư. Trong đó có thể kể đến dự án Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên (vốn đầu tư 1,68 tỉ USD), Bãi Biển Rồng tại Quảng Nam (4 tỉ USD), Khu Công viên phần mềm Thủ Thiêm (1,2 tỉ USD) tại TP.HCM, Khu Du lịch Wonder Park (1,3 tỉ USD) và Khu Đô thị AJ Vietstar (200 triệu USD) tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài lý do thiếu vốn, cũng không loại trừ khả năng chủ đầu tư chi tiền để kiếm được dự án, sau đó tìm cách bán lại. Và khi không tìm được đối tác mua lại, dự án tất nhiên sẽ chết yểu.
Giải thích về những dự án bị chậm tiến độ, một lý do thường được chủ đầu tư đưa ra là phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với thị trường hoặc gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn như dự án Times Square (đường Phạm Hùng, Hà Nội) của VinaCapital. Theo báo cáo cuối năm 2011 của Vinaland, thuộc VinaCapital, Dự án được triển khai chậm (nhận giấy phép vào tháng 5.2008) là do khó khăn trong việc xin các loại giấy phép cũng như thay đổi thiết kế tổng thể. Chủ đầu tư Booyoung cũng nói rằng, nguyên nhân chậm tiến độ là do điều chỉnh thiết kế Dự án từ 5,3 ha ban đầu xuống còn 4,3 ha vì phải dành một phần đất để xây dựng trường học.
Tuy nhiên, thậm chí nếu có vốn, một số chủ đầu tư cũng không dám rót tiền triển khai một khi họ nhận ra mình đã đánh giá sai thị trường. Có một thời, các nhà đầu tư nước ngoài rất háo hức với Đà Nẵng, coi đây là thị trường tiềm năng. Nhưng thực tế chứng minh rằng họ đã lạc quan quá mức khi nhiều dự án tại đây có tốc độ bán hàng rất chậm. Dự án căn hộ Azura, chẳng hạn, có vị trí rất đẹp bên sông Hàn, nhưng đến cuối năm ngoái mới bán được 30% trong tổng số 225 căn hộ (dự kiến giao nhà trong quý này).