Lương từ 6-8 triệu đồng/tháng vẫn không có người làm

Lương từ 6-8 triệu đồng/tháng vẫn không có người làm

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo lao động thì thực tế hiện nay có một nghịch lý giữa cung và cầu lao động. Nhiều ngành liên tục thiếu lao động, hệ số số “chọi” thấp thì không được thí sinh quan tâm.

Ngay trong buổi tọa đàm “Đào tạo nghề: thực trạng giải pháp và nhu cầu nguồn nhân lực tạo TPHCM” tổ chức mới đây, thạc sĩ Trần Đình Lý, giám đốc trung tâm hỗ trợ sinh viên & quan hệ doanh nghiệp ĐH Nông Lâm TPHCM chia sẻ: “Một doanh nghiệp ngành gỗ “kêu cứu” nhờ trường cung cấp một số kỹ sư chế biến lâm sản bởi tuyển lương 6-8 triệu đồng/tháng mà vẫn không tìm ra”.

Có sự chênh lệch giữa cung và cầu lao động. Nhu cầu lao động ngành nghề chế biến lâm sản, thủy sản, phát triễn nông thôn và khuyến nông, cơ khí nông lâm… rất lớn nhưng các thí sinh lại ngán ngẩm các ngành này vì e phải “lên rừng, xuống biển”. 

Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, thủy sản xuất khẩu… tại TPHCM đã rao tuyển nhiều lần số lượng lớn nhưng vẫn không tìm đủ nên buộc phải “đặt hàng” trường đào tạo. Chi phí có cao nhưng tình trạng thiếu vẫn không cải thiện.

Thạc sỹ Lý kiến nghị nhằm cân đối cán cân cung cầu lao động thì cần giải bài toán hướng ra thị trường như tăng cường dự báo nhu cầu lao động. Theo nhiều trường đại học và nhiều chuyên gia quản lý, việc giao chỉ tiêu nên dựa vào nhiều hơn yếu tố cầu lao động.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng phàn nàn sinh viên, học sinh ra trường không làm được việc ngay mà phải đào tạo lại. Nghĩa là các trường đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, thạc sĩ Nguyễn Thạc San, phó hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TPHCM lý giải rằng “nhà trường không đào tạo ngay chủ thể “làm ngay” mà tạo ra những con người có đủ tiềm năng để làm tốt công việc của doanh nghiệp sau một thời gian tiếp cận doanh nghiệp”.

Trong khi đó ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM nhận định thực trạng rằng “việc đào tạo nghề để cung ứng nhân lực còn nhiều hạn chế do chưa có đủ thông tin thị trường lao động nên các trường dạy nghề chưa dự báo và hoạch định chiến lược đào tạo gắn kết việc làm”.

Được biết, TPHCM đã xác định giai đoạn 2009-2010 mỗi năm tại TP có nhu cầu 270.000- 280.000 chỗ làm việc. Đáng chú ý, xu hướng phát triển cơ cấu ngành nghề của thị trường lao động cao nhất là May dệt - thủ công mỹ nghệ - lao động phổ thông, chiếm tỉ trọng lên đến 21,86%. Còn các ngành nghề Y khoa - Y tế lại chỉ chiếm tỉ trọng 2,45%.