Mềm hóa cơ chế lãi suất

Mềm hóa cơ chế lãi suất
Sức ép về vốn

Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách lãi suất phù hợp với diễn biến trên thị trường, bơm tiền đúng địa chỉ, đúng liều lượng.

Điều này chứng tỏ nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn. NH cần tiền để cho vay trung và dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay sản xuất bị khống chế ở mức 10,5%/năm. Để bảo đảm lợi nhuận, các NH mở rộng cho vay tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận phổ biến ở mức 12% - 13%/năm.
 
Khi tăng trưởng tín dụng có nguy cơ nóng, NH Nhà nước (SBV) đã kiểm soát chặt kênh cho vay tiêu dùng, giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn còn 30%. Do bị khống chế lãi suất trần cho vay sản xuất, hạn chế dư nợ cho vay tiêu dùng, một số NH tìm mọi cách bù đắp chi phí đầu vào như thu phí trả nợ trước hạn, phí quản lý vốn... mà SBV không “thổi còi” được.

Thu hẹp đối tượng, giảm tỉ lệ bù lãi suất

Theo PGS - TS  Nguyễn Thị Mùi (nguyên phó giám đốc Học viện Tài chính) nếu SBV muốn duy trì lãi suất cơ bản 7%/năm, khống chế lãi suất cho vay sản xuất tối đa 10,5%/năm, đồng thời tránh tình trạng mỗi NH có cách tính phí khác nhau thì nên cho phép các NH thu một số phí cho vay theo quy định.
 
Mặc dù những tháng gần đây, lãi suất có biến động nhưng vẫn trong tầm kiểm soát nên việc gỡ bỏ lãi suất trần là điều SBV cần tính đến, chuyển đổi dần các loại hình cho vay sang cơ chế lãi suất thỏa thuận. Tổng Giám đốc NH Á Châu Lý Xuân Hải cho rằng việc giới hạn trần lãi suất cho vay lẫn huy động, khống chế tỉ lệ tăng trưởng tín dụng có thể là cần thiết trong điều kiện chống lạm phát, song nếu lạm dụng sẽ triệt tiêu kết quả xây dựng thể chế thị trường trong lĩnh vực tiền tệ tại Việt Nam.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng bỏ lãi trần thời điểm này là chưa hợp lý bởi rất dễ gây sốc cho nền kinh tế. Vì thế, phải có công cụ thay thế và người vay cần có thời gian để chấp nhận lãi suất vay vốn theo giá cả thị trường. Sau khi gói hỗ trợ 4% lãi suất kết thúc vào cuối tháng 12- 2009, SBV cần kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai gói hỗ trợ tiếp theo với quy mô nhỏ hơn, tỉ lệ bù lãi suất có thể là 2% hoặc 1%; thời gian, đối tượng được hỗ trợ ngắn và hẹp hơn.

Siết chất lượng tín dụng

Ông Phạm Ngọc Hưng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết tính đến nay chỉ có 34 doanh nghiệp hội viên được bảo lãnh vay vốn từ Quỹ Bảo lãnh vốn kích cầu với số tiền hơn 200 tỉ đồng. Vì thế, Chính phủ nên có thêm chính sách hỗ trợ lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn.
 
Để tăng trưởng kinh tế bền vững sau khủng hoảng, ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Thái Tuấn, cho rằng cần có gói hỗ trợ lãi suất thứ hai, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư các dự án xuất khẩu, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối...  

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT NH Đầu tư và Phát triển VN  (BIDV), SBV cần điều hành chính sách lãi suất theo hướng nới lỏng nhưng có thận trọng. Việc tăng trưởng tín dụng phải được giám sát chặt chẽ, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho sản xuất kinh doanh. TS Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng chính sách lãi suất sau thời kỳ suy giảm kinh tế cần phù hợp với diễn biến trên thị trường. Đặc biệt, các NH phải siết chặt chất lượng tín dụng, bơm tiền đúng địa chỉ, đúng liều lượng.