Một năm “sóng gió” với DN xây dựng, bất động sản
Năm 2012 đánh dấu một tín hiệu ổn định hơn của nền kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế (dự kiến cả năm tăng 7,5%), lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với cuối năm 2011 nhưng các DN bất động sản, xây dựng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh 11 tháng năm 2012 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng cho thấy, những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.
Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng; các doanh nghiệp thiếu vốn cho sản xuất và đầu tư phát triển nhưng việc tiếp cận nguồn tín dụng, lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp không dám vay.
Những DN có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, phải vay vốn từ ngân hàng hoặc dựa vào nguồn vốn huy động từ khách hàng để triển khai dự án, khi thị trường trầm lắng sẽ bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Không những ảnh hưởng trực tiếp tới DN bất động sản, mà thị trường còn ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, doanh nghiệp xây lắp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng trang trí nội thất,...
Có nhiều DN đã rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, thậm chí phá sản, giải thể, không tự cân đối được nguồn trả nợ các khoản đã vay để đầu tư. Theo một báo cáo mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2012 dự báo sẽ có khoảng 55000 DN giải thể. Tuy nhiên, bù lại sẽ có khoảng 65000 DN mới được thành lập.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng cho thấy, tổng giá trị sản xuất xây dựng đạt khoảng 40.266 tỷ đồng, bằng 112,7% so với năm 2011.
Sản lượng xi măng tiêu thụ ước toàn ngành đạt khoảng 55-57 triệu tấn; phát huy được trên 80% công suất thiết kế hiện có của tất cả các nhà máy xi măng; đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước (khoảng 48-50 triệu tấn) và xuất khẩu được trên 7 triệu tấn xi măng và clinker.
Đối với những DN thuộc Bộ Xây dựng cũng kinh doanh không hiệu quả, giá trị sản xuất kinh doanh ước thực hiện 11 tháng đạt 143.238,3 tỷ đồng, bằng 84,3% so với kế hoạch năm và bằng 95,3% so với cùng kỳ năm 2011. Năm 2012 dự kiến hoàn thành 95,8% kế hoạch.
Kế hoạch đầu tư cũng không đạt kế hoạch đề ra ban đầu là 24.556 tỷ nhưng ước năm nay chỉ đạt 82% kế hoạch, bằng 71,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm 2012 của nhóm ngành này rất kém, thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt mức thấp, một số đơn vị còn đạt mức dưới 10% thấp hơn cả chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng.
Theo Bộ Xây dựng, một số doanh nghiệp chưa đảm bảo được yêu cầu về an toàn tài chính, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất cân đối tài chính và thua lỗ kéo dài. Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp lớn trong khi năng lực quản lý và khả năng tài chính có hạn dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.
Tính đến 31/12/2011, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của nhiều đơn vị vẫn ở mức cao, vượt quy định 3 lần, nợ phải thu khó đòi còn lớn.
Hiện Bộ Xây dựng đang kiến nghị Chính phủ một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho thị trường bất động sản. Trong đó đáng chú ý có 4 nhóm giải pháp đó là: Hoàn thiện, sửa đổi hệ thống pháp luật, miễn giảm thuế, cơ cấu lại sản phẩm bằng cách chia nhỏ diện tích căn hộ, dừng các dự án chưa GPMB,…