Nguy cơ trắng tay vì dốc vốn làm nông sản sạch

Ông Nguyễn Thanh Quang, chủ một trang trại heo ở Hà Nội rất tâm huyết với việc cung cấp thịt heo sạch nên đã đầu tư khá bài bản. Nhưng bắt tay vào làm được thời gian ngắn thì gặp nhiều khó khăn nảy sinh. 
 
Cụ thể, khi ông mổ heo để bán thịt ra thị trường thì chỉ có thịt 3 chỉ, sườn thăn, thịt chân giò là được đặt hàng nhiều, còn thịt vai, thịt thăn mua rất lác đác. Riêng thịt mông, thịt thủ, mỡ và lòng lợn hầu như không bán được. Ông Quang đã phải mua máy để làm ruốc, giò lụa, mỡ nước nhưng cũng không cải thiện được tình hình. Trong khi đó, đàn lợn không thể nuôi thêm vì cân nặng vượt quá mức cho phép. Chưa kể công mổ lợn, pha phách, đóng túi hút chân không và công giao hàng tận tay người dùng. 
 
“Dù rất hăng hái trong việc cung ứng thực phẩm sạch nhưng người tiêu dùng Việt không nhiệt tình với sản phẩm của tôi. Họ thà ra chợ cóc gần nhà để mua vài lạng thịt tươi hàng ngày (không rõ nguồn gốc) còn hơn là mua thịt lợn sạch được đóng trong túi hút chân không và đã qua cấp đông, nên buộc tôi phải xuất hết lứa lợn qua Trung Quốc”, ông Quang chia sẻ và cho biết thêm, với kênh siêu thị, dù nhiều nhà phân phối đặt vấn đề thu mua nhưng họ cũng gặp không ít khó khăn như nhu cầu của người tiêu dùng, hàng loạt giấy chứng nhận, tem… Mặt khác, muốn có loại giấy này phải tốn hàng chục triệu đồng, vì thế giá thịt lợn sạch bán trong siêu thị buộc phải lên đến 192.000 đồng một kg. Trước nhiều thách thức, ông Quang đang rất băn khoăn về việc có nên tiếp tục kinh doanh thực phẩm sạch trong thời gian tới hay không. Bởi theo ông, nếu tiếp tục  kinh doanh với cách thức làm cũ sẽ lỗ. 
 
Không chỉ thịt, mà rau củ quả sạch cũng kén người tiêu dùng. Chia sẻ với VnExpress, chị Nguyễn Thị Huyền (Hà Nội) người sở hữu 2ha trang trại trồng rau quả hữu cơ (organic) cho biết, bỏ ra 5 tỷ đồng đầu tư trồng rau củ quả sạch, tuy nhiên sản phẩm làm ra tiêu thụ khó vì giá thành cao, mẫu mã không được bắt mắt. 
 
Chị đã từng vui khi mồng tơi, dưa chuột... lên xanh tốt, tự kháng cự được sâu bệnh, sản lượng cao nhưng khi bán ra thị trường người mua lại chê giá đắt. Ban đầu tặng họ dùng thử thì khen ngon, nhưng khi bán lại bị chê đủ điều. Có những đợt chị phải giảm giá 50-60% mới bán hết.
 
Với mong muốn có đầu ra tốt cho sản phẩm, chị Huyền tiếp tục giới thiệu đến mọi người, rồi tổ chức tham quan mô hình. Không ít các chủ nhà hàng lên vườn rau của chị đều khen rau ngon, sạch, đủ dinh dưỡng..., nhưng khi chuẩn bị thoả thuận hợp đồng, họ lại mặc cả mức giá tương đương giá của các quầy rau ngoài chợ tạm.
 
Cụ thể, dưa chuột 7.000 đồng một kg, mồng tơi 4.000 đồng. Theo chị Huyền, mức giá này quá thấp vì sở dĩ khi trồng dưa chuột, chị phải chọn giống tốt, nhất là dưa chuột hạt lép, quy trình lại gắt gao, thời gian thu hoạch lâu nên nếu bán ra thị trường phải ở mức 60.000 đồng một kg. Do vậy, sản phẩm chị làm ra mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ những người am hiểu và sẵn sàng chi tiền cho thực phẩm sạch. 3 năm nay chị vẫn chưa thể hòa vốn. Do vậy, thời gian tới chị Huyền sẽ thu hẹp quy mô và chỉ còn trồng với diện tích đủ cung cấp cho khoảng 300 khách hàng thân thiết.
 
Không chỉ trồng rau củ, thịt sạch gặp khó mà các sản phẩm gạo hữu cơ ở thị trường trong nước cũng ít được đón nhận. Trước đó, chia sẻ với VnExpress, ông Võ Minh Khải - Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Viễn Phú cho biết, tới nay thị trường Việt vẫn chưa nhiều khách hàng sẵn sàng chi tiền để mua sản phẩm gạo hữu cơ. 70% hàng của công ty ông được xuất sang thị trường Anh, Nga, Singapore, Pháp, Đức, còn nội địa chỉ chiếm khoảng 30%. 
 
Mặc dù được thị trường xuất khẩu ưa chuộng, nhưng với chi phí đầu tư cao, dự án gạo hữu cơ của công ty ông Khải vẫn gặp nhiều khó khăn. Mới đây, Viễn Phú đã  phải tiến hành tìm đối tác chiến lược để hỗ trợ phát triển sau khi “rao” bán 320ha đất dự án nông nghiệp hữu cơ nhằm giúp thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng.