Nhà đầu tư thép nhận trái đắng
Nếu không có việc dừng, giãn tiến độ các dự án đầu tư theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, thì năm 2011, sản lượng thép xây dựng sản xuất có thể đạt mức tăng trưởng 10%. Dù vậy, ngành thép vẫn phải đối mặt với thực tế cung đang vượt rất xa cầu ở mặt hàng thép xây dựng. "Mức tiêu thụ thép chỉ chiếm 50-60% công suất sản xuất thép xây dựng của các doanh nghiệp và thị trường trong nước chưa bao giờ thiếu thép", ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nói.
Bất chấp thực tế như vậy, vẫn có những nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào ngành thép. Ông Dương Doãn Lục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gang thép Sơn La, nơi vừa khởi công xây dựng nhà máy gang thép có quy mô 300.000 tấn/năm, cho hay, sản phẩm của nhà máy ban đầu là gang và phôi thép sản xuất từ nguyên liệu quặng khai thác được tại 13 mỏ sắt trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, Công ty vẫn muốn sản xuất thép xây dựng, bởi chỉ cần đầu tư thêm một công đoạn nữa là có ngay sản phẩm thép thành phẩm.
"Phôi được sản xuất đang ở nhiệt độ cao, nếu cán ngay thành thép thì không tốn nhiều chi phí, Trong khi đó, các doanh nghiệp cán thép khác mua phôi về, thì phải mất công làm nóng chảy rồi mới cán thành thép", ông Lục nói và cho biết, theo kế hoạch, Nhà máy Gang thép Sơn La, với tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, sẽ hoàn tất giai đoạn 1, công suất 150.000 tấn/năm vào quý II/2012 và đưa cả dây chuyền vào hoạt động trong năm 2013.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng lạc quan với ngành thép.
Một tên tuổi trong ngành thép đang phải chống chọi với những khó khăn là Tập đoàn Thép Vạn Lợi. Theo tin từ nhiều doanh nghiệp trong ngành, Thép Vạn Lợi đang tìm kiếm thêm cổ đông mới để chia sẻ các khoản đầu tư của mình tại Dự án Khu liên hợp gang thép tại Hà Tĩnh và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Một nguồn tin của Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết, Tổng công ty cũng nhận được lời mời từ phía Thép Vạn Lợi trong việc mua lại cổ phần và tham gia quản lý một dự án của doanh nghiệp này ở một tỉnh phía Bắc.
Nguyên do của việc tìm kiếm thêm cổ đông mới để chia sẻ Dự án Khu liên hợp gang thép Vạn Lợi tại Hà Tĩnh được cho là bởi chính sách thắt chặt tín dụng của các ngân hàng. Dự án có quy mô khoảng 1.400 tỷ đồng của Thép Vạn Lợi đã triển khai được hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng đang gặp khó khăn về nguồn vốn để có thể hoàn thành việc đầu tư.
Một số nhà đầu tư khác cũng đã rút lui khỏi ngành thép sau những tuyên bố rầm rộ ban đầu. Công ty cổ phần Thép Đình Vũ là một ví dụ. Tháng 3/2006, Nhà máy Phôi thép Đình Vũ của Công ty có quy mô đầu tư 400 tỷ đồng đã đi vào hoạt động thương mại, với công suất 200.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ và thiết bị của Trung Quốc.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, năm 2009, Thép Đình Vũ đạt 1.420,7 tỷ đồng doanh thu, giảm 783,3 tỷ đồng (-34,2%) so với mức 2.159 tỷ đồng của năm 2008. Lợi nhuận gộp năm 2009 là
-48,6 tỷ đồng, còn năm 2008 là -36,3 tỷ đồng. Trong năm 2009, Thép Đình Vũ đã tăng vốn điều lệ từ 229 tỷ lên 342,56 tỷ đồng. Tuy nhiên, với việc lỗ nặng trong 2 năm qua thì vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2009 chỉ còn 17,88 tỷ đồng. Lỗ lũy kế là 341,2 tỷ đồng. Tổng vay và nợ tính đến cuối năm 2009 của công ty là 900 tỷ đồng. Công ty cũng đã 9 lần điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và liên tục thay đổi về cổ đông. Các cổ đông sáng lập của Thép Đình Vũ cũng đã bán hơn 20% cổ phần cho Tập đoàn Đầu tư công nghiệp Úc (VII) vào tháng 8/2009. Còn hiện tại, VII đã nắm quyền điều hành tại Công ty cổ phần Thép Đình Vũ với việc nắm giữ hơn 70% tại đây.
Trong khi các doanh nghiệp thép đang khó khăn trong tìm kiếm vốn để tiếp tục đầu tư, dù cung đã bỏ xa cầu, thì giá thép tại thị trường trong nước có xu hướng giảm. Trong tháng 3/2011, tiêu thụ thép giảm 30% so với tháng 2, lượng tồn kho sản phẩm thép xây dựng ở các công ty là khoảng 400.000 tấn, cao hơn mức trung bình các tháng. Điều này đã khiến giá thép trong tháng 4/2011 giảm khoảng 300.000 - 400.000 đồng/tấn và được duy trì trong tháng 4, tháng 5/2011.
VSA cũng dự báo, giá thép xây dựng trong một vài tháng tới sẽ có xu hướng giảm, vì ngành thép vẫn trong tình trạng cung vượt cầu và tiêu thụ chậm do cắt giảm đầu tư công.