Nhẹ gánh cam kết đầu tư cho R&D
Các tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao trước đây, quy định trong khoản 1, Điều 18, Luật công nghệ cao, đã được sửa đổi hợp lý hơn, nhằm tránh tạo rào cản cho việc thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI trong lĩnh vực này.
Cụ thể, theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b, Điều 75 của Luật Đầu tư, đồng thời phải đáp ứng 3 tiêu chí khác, trong đó có tiêu chí quan trọng liên quan đến hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Cụ thể, doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm.
Bên cạnh đó, tổng chi cho R&D được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đạt tối thiểu 1%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người, thì tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%.
Một tiêu chí quan trọng khác, số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện R&D trên tổng số lao động của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đạt ít nhất 5%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5%, nhưng không dưới 15 người.
Như vậy, về cơ bản, các tỷ lệ liên quan công tác R&D mà doanh nghiệp phải đáp ứng chỉ còn bằng phân nửa so với trước đây. Trước đây, theo quy định của khoản 1, Điều 18, Luật công nghệ cao, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, để được xác định là một doanh nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp phải chi 1% tổng doanh thu và có 5% tổng lao động cho hoạt động R&D. Tỷ lệ doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao cũng phải đạt 70% tổng doanh thu.
Cũng cần nhắc lại một điều rằng, trước đây, Luật công nghệ cao xác định các tỷ lệ trên theo tổng doanh thu, thì nay được xác định theo doanh thu thuần, nên sẽ góp phần đáng kể làm “nhẹ gánh” cam kết đầu tư cho R&D của các doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào công nghệ cao.
Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đã hồ hởi đón nhận thông tin này, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có các dự án quy mô lớn như Samsung, Microsoft, LG, Intel, Bosch… Lý do là, theo quy định trước đây, dự án càng lớn, thì nhà đầu tư càng khó đáp ứng. Thậm chí, khoản 1, Điều 18, Luật công nghệ cao còn được cho là một điều khoản bất khả thi.
Một ví dụ cụ thể, năm ngoái, Samsung đạt kim ngạch xuất khẩu 26,3 tỷ USD. Chỉ tính riêng khoản này, thì theo cam kết, mỗi năm, Samsung phải chi cho công tác R&D tới 263 triệu USD - một con số rất lớn. Giả sử Samsung chấp nhận “móc hầu bao” số tiền này đi nữa, thì các chuyên gia cũng cho rằng, không thể “tiêu” hết số tiền này cho R&D tại Việt Nam trong vòng 1 năm.
Chưa kể, với số lượng lao động lên tới trên 100.000 hiện nay, thì quy định về tỷ lệ lao động cho công tác R&D cũng khó như “hái sao trên trời”.
Bởi vậy, thời gian qua, Samsung là một trong những nhà đầu tư có nhiều kiến nghị nhất liên quan đến việc điều chỉnh các chính sách liên quan đến R&D. Và vì thế, quyết định lần này của Thủ tướng Chính phủ, hay trước đó là quyết định sửa đổi khoản 1, Điều 18, Luật công nghệ cao ngay tại Luật Đầu tư sửa đổi (Điều 75) đã được giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao.
“Quy định như vậy hợp lý hơn, qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thu hút đầu tư vào công nghệ cao”, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam bình luận.
Để nâng chất dòng vốn FDI, Việt Nam đã xác định định hướng chiến lược là ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghệ cao. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này đang được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất (thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo), song phải đáp ứng các tiêu chí do Việt Nam đặt ra. Khi “cửa ải” được dựng lên hợp lý hơn, sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng nhảy vào và đó là cơ hội để làn sóng FDI trong lĩnh vực công nghệ cao chảy mạnh hơn vào Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện tại, ngoài “chim mồi” Intel, các tên tuổi lớn trong “làng” công nghệ cao thế giới, như Samsung, LG, Microsoft… đều đã tìm đến Việt Nam. Không chỉ là đầu tư nhà máy một cách thuần túy, các đại gia này thậm chí đang dịch chuyển sản xuất và coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình.
“Việt Nam đang có cơ hội chưa từng có để thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao”, GS-TSKH Nguyễn Mại, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực FDI nhận định. Cơ hội này đang được “tiếp sức” bởi sự sửa đổi kịp thời các chính sách pháp luật của Chính phủ Việt Nam.
Nguyên Đức