Những phân tích thương mại mới nhất về Việt Nam của EC

Tham dự có ngài Sean Doyle - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Ủy ban châu Âu; Ngài Michal Kral - Đại sứ Cộng hoà Czech, đại diện Chủ tịch luân phiên châu Âu; các Tham tán thương mại của các đại sứ quán thành viên EU tại Việt Nam.
 
Tại cuộc họp báo, Đại sứ Sean Doyle cho biết: Bản báo cáo của các Tham tán thương mại EU năm 2009 khẳng định rằng, xét trên cân bằng tổng thể, EU tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong năm 2008. Còn xét về tổng vốn đầu tư vào Việt Nam được giải ngân, đang ở mức 7 tỷ USD/11,8 tỷ USD vốn cam kết, thì EU là nhà đầu tư lớn thứ 2 (sau Nhật Bản). Với tỷ lệ giải ngân lên tới 60%, gấp 4 lần tỷ lệ trung bình (vốn giải ngân so với vốn cam kết) của cả nước (14%), điều này khẳng định cam kết của cộng đồng doanh nghiệp EU với Việt Nam, thậm chí ngay cả vào thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu.
 
Bản báo cáo đã dẫn nguồn từ Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), nhận định rằng, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiêu thụ khoảng 12,2 tỷ USD hàng xuất khẩu của Việt Nam, vượt cả thị trường Hoa Kỳ. Còn về hoạt động nhập khẩu, EU là đối tác thứ 4 của Việt Nam (chiếm 7,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), đứng sau ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản.
 
Về tình hình kinh tế Việt Nam, bản cáo phân tích: Nửa đầu năm 2008, tại Việt Nam, tăng trưởng tín dụng mạnh, lạm phát cao, thâm thủng thương mại lớn. Trong nửa cuối năm, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giảm sút. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong kiềm chế lạm phát thông qua chính sách thắt chặt tiền tệ và thắt chặt tài khoá đối phó với tăng trưởng nóng... Kết quả là Việt Nam đã đạt GDP "khá đẹp" (ở mức 6,18%), nằm trong số 12 nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong giai đoạn này. Ngoài ra, bản báo cáo cũng đã nêu ra những đề xuất về tự do hoá thương mại, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực.