Quản lý giá: Cái gì cũng muốn
Mục tiêu của Luật giá (đang được Bộ Tài chính xây dựng) đặt ra là Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh; Nhà nước việc can thiệp vào thị trường chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế để tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả. Nhưng xuyên suốt Dự thảo luật này, theo nhận định của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách là “thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quan hệ cung cầu”.
Thể hiện rõ nhất của việc “can thiệp quá sâu của Nhà nước vào cung cầu” là những quy định liên quan đến bình ổn giá, định giá.
Theo Dự thảo Luật này, Nhà nước thực hiện định giá đối với hàng hóa, dịch vụ Nhà nước độc quyền, tài nguyên quan trọng; hàng hóa, dịch vụ công ích; dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có thị trường cạnh tranh hạn chế. Và trường hợp vì lý do đặc biệt, định giá thấp hơn chi phí hình thành giá (giá cơ sở) thì Nhà nước có biện pháp hỗ trợ thích hợp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ độc quyền đối với khí tài quân sự, nếu đặt vấn đề độc quyền đối với các loại hàng hoá dịch vụ khác nữa thì làm sao có thể để giá cả vận hành theo đúng nguyên tắc của thị trường.
“Viện phí, học phí là giá dịch vụ cũng phải tiến tới tính đúng, tính đủ, bảo đảm cho cơ sở y tế, giáo dục có đủ tiền trả lương cho người lao động, khấu hao tài sản, tái đầu tư… vì thế không thể cứng nhắc mà định giá. Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ học phí, viện phí cho đối tượng nào thì cấp tiền cho họ (thông qua cơ sở giáo dục, y tế). Tương tự như vậy, giá xăng dầu, điện, nước sạch… cũng phải tính đúng, tính đủ, Nhà nước dùng ngân sách để hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng cần sự trợ giúp. Chỉ có như vậy thì mới thực hiện được chính sách bình ổn giá đồng thời không phá vỡ cơ chế thị trường”, ông Hùng nói.
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, quy định Nhà nước có biện pháp hỗ trợ thích hợp cho doanh nghiệp nếu định giá thấp hơn giá thành là “nói lập lờ và hết sức vô lý”.
“Ông bắt tôi phải bán dưới giá thành thì ông phải có nghĩa vụ trả tôi phần chênh lệch giữa giá thành và giá bán, cộng thêm lợi nhuận. Vì quyền lợi chung, tôi đã phải chịu thiệt thì ông phải có nghĩa vụ bù đắp cho tôi chứ tôi không cần ông hỗ trợ. Nếu quy định chung chung là “hỗ trợ” thì bóp chết cạnh tranh, bóp chết sản xuất”, ông Hùng nói thêm.
Dự thảo Luật giá quy định, việc bình ổn giá được thực hiện trong trường hợp giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu biến động bất thường; toàn bộ mặt bằng giá (thể hiện qua chỉ số CPI) có biến động bất thường. Chính phủ quy định cụ thể về Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá/định giá phù hợp với từng thời kỳ.
“Thế nào là mặt hàng thiết yếu? Muối ăn ở vùng cao là mặt hàng vô cùng thiết yếu nhưng ở đồng bằng thì là mặt hàng bình thường. CPI tăng cao trên 10% hay trên 15% được coi là biến động bất thường? Nếu không quy định cụ thể sẽ dẫn tới tình trạng lợi dụng quy định này để định giá, bình ổn giá, can thiệp quá sâu vào thị trường, triệt tiêu sản xuất”, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai lo ngại.
Trong khi đó, theo quan điểm của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thực hiện cơ chế thị trường, hàng hoá, dịch vụ phải thực hiện định giá hay bình ổn giá không nhiều, vì vậy cần phải được luật hoá để tránh tình trạng định giá, bình ổn giá không tuân theo quy luật thị trường.
Đồng tình với quan điểm này, bà Mai minh chứng, thuốc chữa bệnh là mặt hàng thiết yếu cần phải định giá nhưng định giá đối với loại thuốc nào thì cần phải cụ thể.
“Trên thị trường có hơn 20.0000 loại thuốc chữa bệnh, dù có muốn, Nhà nước cũng không thể định giá hết được. Nếu không quy định cụ thể chỉ có một số ít loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị thuộc diện Nhà nước định giá, còn lại phải để thị trường tự quyết định sẽ dễ dẫn đến tuỳ tiện, thậm chí là tiêu cực trong việc xác định loại thuốc nào thuộc loại cần định giá, loại thuốc nào không cần định giá”, bà Mai phát biểu và đặt vấn đề nghi vấn tính khả thi về quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh phải có nghĩa vụ niêm yết giá bằng cách in, dán, ghi giá bán lên bao bì hàng hóa hoặc thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác được đặt, để, treo, dán tại nơi giao dịch hoặc nơi mua, bán hàng hóa, dịch vụ.
“Hiện có hàng triệu người buôn bán nhỏ, lẻ và hàng chục triệu người nông dân hàng ngày đem nông sản ra bán, nếu bắt buộc phải niêm yết giá thì ai cũng vi phạm pháp luật. Chưa kể, việc mặc cả để đi đến thuận mua vừa bán khi đi mua sắm hàng hoá, vật dụng thông thường còn là văn hoá, tập quán ngàn đời của người Việt, không hiểu Ban soạn thảo Luật giá nghĩ gì khi muốn bắt tất cả mọi người bán hàng hoá, dịch vụ đều phải niêm yết giá”, bà Mai phân tích sự bất cập của quy định này.
Là người từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính 10 năm, chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về quản lý giá nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rất am hiểu về lĩnh vực này. Chính vì vậy, ông lo ngại, nếu không sửa đổi, bổ sung căn bản nhiều nội dung trong Dự thảo Luật giá thì khó có thể đạt mục tiêu đặt ra là để giá cả vận hành đúng theo quy luật thị trường.
“Nếu không có quy định cụ thể loại hàng hoá nào thuộc diện bình ổn giá, bình ổn trong những trường hợp nào thì bất cứ mặt hàng thiết yếu nào như than, điện, nước sạch, lương thực, thực phẩm…cũng có thể phải bình ổn giá. Nếu có quá nhiều mặt hàng bình ổn giá thì thị trường sẽ dẫn đến sự rối loạn, cơ chế “hai giá” sau hàng chục năm nỗ lực mới phá bỏ được sẽ lại phục hồi”, ông Nguyễn Sinh Hùng lo lắng.