Quy hoạch hệ thống cảng biển đến 2030

Theo nhận định chung của các chuyên gia, đề án lần này có nhiều thay đổi mới, nhằm tiến tới hiện đại hóa, phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển Việt Nam.

Mô hình “chính quyền cảng”

Theo ông Nguyễn Mạnh Ứng, Phó tổng giám đốc Portcoast, trong đề án sẽ có nhiều nguyên tắc, quan điểm và mục tiêu phát triển rất mới nhằm đưa hệ thống cảng biển Việt Nam phát triển, khắc phục được những tồn tại và hội nhập sâu rộng với thế giới. Qua đó, tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, phát triển một cách tổng thể, hợp lý cảng biển Việt Nam.

Theo quan điểm này, việc phát triển cảng biển ở quy mô nào, vị trí nào sẽ được tính toán hết sức cụ thể trên cơ sở những điều kiện tự nhiên và nhu cầu phát triển kinh tế của khu vực, nhưng trong đó có tính đến sự tương tác với các cảng biển lân cận.

Ông Ứng cho rằng, điều đó sẽ khắc phục được tình trạng địa phương nào cũng muốn phát triển cảng biển, dẫn đến tình trạng “thừa” cảng biển một cách giả tạo như hiện nay. Bên cạnh đó, vấn đề hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ cũng sẽ được khắc phục.

Cụ thể như: sẽ xây dựng tuyến đường giao thông kết nối giữa các cảng, hệ thống điện, nước... đặc biệt sẽ coi trọng sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển và mạng lưới giao thông quốc gia và các đầu mối logistic (dịch vụ cảng, thương mại...) trong khu vực.

Do vậy, trong nội dung bản quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển sẽ kêu gọi đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển, không chỉ với cầu, bến cảng (như hiện nay) mà còn đối với hạ tầng công cộng biển như luồng tàu, đê ngăn sóng.

Một điều hoàn toàn mới trong bản quy hoạch này là mô hình chính quyền cảng. Ông Ứng cho biết, mô hình này nhằm thống nhất quản lý các cảng trong khu vực, tránh tình trạng phát triển manh mún, tự phát, không đồng bộ. Chính quyền cảng không thay thế chính quyền địa phương, mà ngược lại trong chính quyền cảng sẽ “có nhân sự” của chính quyền địa phương.

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng và xác định rõ, Hải Phòng là cảng cửa ngõ quốc tế (loại 1A), thuộc cảng tổng hợp quốc gia, tiêu biểu nhất của khu vực phía Bắc.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết thời gian tới, cảng Hải Phòng sẽ xây dựng 4 khu bến chính là Lạch Huyện, Đình Vũ, sông Cấm (thuộc địa phận thành phố Hải Phòng) và sông Chanh (thuộc Yên Hưng, Quảng Ninh).

Bên cạnh đó, cũng sẽ có một số bến cảng chuyên dùng nhỏ lẻ khác đảm nhận vai trò vệ tinh trong hệ thống cảng Hải Phòng. Theo Quyết định số 16/2008/QĐ- TTg ngày 28/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Về tương lai, cảng Hải Phòng là một trong 17 cảng biển loại 1 bao gồm 28 bến cảng.

Cảng ở Tp.HCM sẽ phát triển ở khu vực huyện Nhà Bè

Còn tại miền Nam, vừa qua, đoàn công tác liên ngành gồm Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính cùng nhiều ban, ngành liên quan khác đã làm việc với UBND Tp.HCM về việc phát triển cảng biển.

Theo đó, đã thống nhất việc đưa chỉ tiêu phát triển cảng biển ở khu vực Tp.HCM (vào bản quy hoạch) ở mức cao nhất.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân Tp.HCM cho biết mặc dù đang trong suy thoái kinh tế, nhưng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng biển thành phố vẫn phát triển rất mạnh, với mức tăng hơn 10%/năm.

Hiện tại và trong tương lai Tp.HCM vẫn là một trong những đầu mối giao thương quan trọng của khu vực. Đặc biệt, theo bản quy hoạch mới này, đây sẽ là cảng loại 1 với luồng tàu biển Soài Rạp là luồng tàu chính.

Các cảng ở Tp.HCM sẽ phát triển chủ yếu ở khu vực Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Để tăng cường tàu lớn có thể ra vào cảng, cuối tháng 4/2009 vừa qua, Tp.HCM đã tiến hành nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp đến -9,5m và sẽ tiếp tục nạo vét xuống -12m.

Ngoài ra, hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến xây dựng cảng Nước Sâu. Trong đó, cảng SPCT do Tập đoàn DP World đầu tư sẽ hoàn thành 500m cầu cảng vào cuối tháng 6/2009 và đưa cầu cảng này vào hoạt động trong tháng 7/2009.

Song hành với các cảng, Tp.HCM cũng đang khẩn trương triển khai xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước, góp phần hình thành và phát triển hệ thống cảng ở đây. Như vậy, việc phát triển hệ thống cảng biển ở Tp.HCM, về cơ bản đã rất giống với kịch bản phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam tới năm 2030 mà Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng.