Thị trường hàng hóa tuần 23 – 29/5/2011

Thị trường hàng hóa tuần 23 – 29/5/2011

Năng lượng

- Bộ Tài chính đang xem xét nâng thuế xuất khẩu than thêm 5% để điều tiết thị trường do 5 tháng đầu năm đã xuất gần 5 triệu tấn.

- Giá dầu thô thế giới tăng 0,5% và đứng trên 100 USD/thùng trong tuần này nhờ lạc quan vào tăng trưởng kinh tế.

- Giá xăng tại Mỹ tăng mạnh lên mức cao nhất của 6 tháng do cúp điện ở Texas City bang Texas làm ảnh hưởng hoạt động của 3 nhà máy lọc dầu lớn.

- Tập đoàn dầu khí quốc gia Mexico tìm ra mỏ khí thiên nhiên trữ lượng từ 11,3-17 tỷ mét khối ở vịnh Mexico.

Thực phẩm

- Giá gạo giảm thêm 100 nghìn đồng/tấn vì nhu cầu nước ngoài giảm sút trong khi vụ thu hoạch lúa hè thu đã bắt đầu sớm. Gạo nước ta còn bị cạnh tranh từ nguồn cung dồi dào ở Thái Lan.

- Giá lúa vụ hè thu tại ĐBSCL giảm khoảng 200 nghìn đồng/tấn.

- Hiệp hội Lương thực Việt Nam quy định kể từ ngày 01/10/2011, thương nhân không có Giấy Chứng Nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ không được hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.

- Giá rau vẫn giảm trong khi giá thịt các loại tăng trở lại.

- Nga tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc từ 1/7. Điều này sẽ giúp thế giới bớt căng thẳng nguồn cung và triển vọng giá hạ trong thời gian tới.

 Thức ăn chăn nuôi

- Giá thức ăn chăn nuôi tăng bình quân 200 đồng/kg các loại. Đây là lần tăng thứ 7 trong năm. Với mỗi lần tăng khoảng 200 đồng/kg thì giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tổng cộng 1.400 đồng/kg kể từ đầu năm.

 Nông sản

­- Giá cà phê trong nước lập kỷ lục 3 phiên liên tiếp, lên 51,5 triệu đồng/tấn.

- Giá mủ cao su ở Bình Phước lập kỷ lục 930 đồng/độ.

- Giá cao su châu Á cao nhất 1 tháng vì triển vọng lạc quan vào nhu cầu ở Trung Quốc, kết hợp với Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên hạ dự báo tăng trưởng sản lượng năm 2011 do sụt giảm cung ở Indonesia và Philippin.

- Giá hạt tiêu trong nước giảm 5 triệu đồng/tấn, tiêu xuất khẩu mất 500 USD/tấn. Giá tiêu thế giới giảm 400 USD/tấn.

- Lúa hè thu ở khu vực ĐBSCL bị nhiễm rầy trên diện rộng.

Kim loại

- Giá đồng cao nhất 3 tuần sau khi G8 tuyên bố kinh tế thế giới đang tăng trưởng.

- Giá vàng cao nhất 3 tuần vì nhu cầu đầu tư an toàn trước nỗi lo nợ công ở Hy Lạp, giá dầu tăng cao và đồng USD suy yếu.

- Quỹ đầu tư bạc lớn nhất thế giới tiếp tục xả hàng, tổng cộng bán ròng 1.081 tấn trong tháng này. Quỹ đầu tư vàng sau khi mua vào 3 phiên liên tiếp cũng bán ra chốt lời khi giá lên mức cao nhất 3 tuần.

- Goldman Sachs khuyên nhà đầu tư mua hàng hóa đặc biệt là kim loại cơ bản và dầu mỏ, sau khi khuyên họ bán ra trong tháng trước. Sau động thái này, hàng hóa đồng loạt tăng. Lần trước Goldman khuyên bán ra khiến giá hàng hóa giảm bình quân 11% trong 1 tháng.

Thủy sản

- Diện tích tôm sú, tôm chân trắng thiệt hại tại các tỉnh phía Nam và ĐBSCL lên đến trên 25.000 ha.

- Giá cá tra liên tục giảm, mất thêm 500 đồng/kg trong tuần qua xuống còn 26.500 đồng/kg.

- Giá tôm nguyên liệu hạ 5.000 đồng xuống còn 260.000 đồng/kg.

Hàng hóa khác

- Tổng cục Hải quan quy định, nhiều nhãn hiệu xe nổi tiếng: Bentley, Cadillac, Acura, BMW, Mercedes, Audi, Aston Martin... nhập khẩu sắp tới sẽ phải nằm trong danh sách điều chỉnh giá kể từ 1/6.

- Giá vật liệu xây dựng vẫn tăng giá dù ế ẩm.

- Tổng cục Hải quan bổ sung 7 nhóm mặt hàng vào danh mục quản lý rủi ro về giá bao gồm: thịt gia súc, gia cầm đông lạnh, cá tươi, đông lạnh, gạch ốp lát, gốm sứ vệ sinh, máy hút bụi, bàn ủi, máy giặt, quạt điện... , áp dụng từ 1/6.