Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh): Tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ
Thưa ông, mục đích của Hội nghị XTĐT lần này?
Thị xã Hồng Lĩnh được xác định là một trong 03 đô thị trung tâm lớn của tỉnh Hà Tĩnh, theo Quyết định số 1786 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn 2050. Với đích đến ấy, trong những năm qua, cùng với việc phát huy nội lực của địa phương, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, sự đồng hành của danh nghiệp và hợp tác của các nhà đầu tư, nhiều chương trình dự án lớn trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đã được triển khai và phát huy hiệu quả, tạo được chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã Hồng Lĩnh đã có những bước phát triển nhanh, bền vững, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị, đến năm 2015, thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng chiếm 93,64%, nông lâm nghiệp và thủy sản còn 6,36%. Lĩnh vực phát triển chủ đạo là sản xuất sợi, dệt may, cơ khí, điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải, chế biến nông, lâm sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - du lịch - dịch vụ.
Đến nay, trên địa bàn thị xã có 290 doanh nghiệp và chi nhánh đại diện, 26 hợp tác xã, bình quân 48 doanh nghiệp/phường (xã). Thu ngân sách trên địa bàn, tăng bình quân hàng năm trên 22,9%, năm 2015 đạt tương ứng trên 400 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 68%.
Tuy nhiên, thị xã vẫn còn gặp những khó khăn do năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế còn thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn đòi hỏi phải tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng thị xã trở thành đô thị loại III vào năm 2020, theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ thị xã Hồng Lĩnh lần thứ VI đã đề ra
Để thực hiện được điều đó, thị xã Hồng Lĩnh tổ chức Hội nghị XTĐT nhằm giới thiệu với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiềm năng, cơ hội cũng như các định hướng thu hút đầu tư của địa phương.
Như vậy, định hướng thu hút đầu tư vào thị xã Hồng Lĩnh trong thời gian tới là gì?
Trong thời gian tới, thị xã sẽ tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ ở một số địa bàn, khu vực trọng điểm để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế vào hoạt động.
Tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư, tăng khả năng lấp đầy tại Cụm công nghiệp làng nghề Trung Lương, Cụm công nghiệp Nam Hồng, Khu vực công nghiệp Cổng Khánh Đậu Liêu. Tăng cường năng lực các doanh nghiệp hiện có mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đầu tư xây dựng các Trung tâm Thương mại gồm: Trung tâm Thương mại, siêu thị tổng hợp (tại vị trí chợ cũ Hồng Lĩnh), các khu thương mại tại các phường Đức Thuận, Trung Lương, Bắc Hồng, Đậu Liêu Cùng hàng loạt các chợ gồm: Chợ Hồng Sơn, Chợ Cầu Treo, Chợ Đồng Đán. Hình thành các điểm bán buôn lớn làm cơ sở cho Hồng Lĩnh trở thành điểm luân chuyển hàng hóa Việt Nam - Lào, Thái Lan và ngược lại.
Đầu tư xây dựng các dự án trên lĩnh vực du lịch - dịch vụ gồm: Hạ tầng khu Công viên Trung tâm thị xã với diện tích 77,5 ha, đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000. Hạ tầng khu di tích sinh thái Suối Tiên, dự kiến quy mô 150 ha nằm trong trong quần thể danh thắng núi Hồng Lĩnh. Khu Lâm viên phía Nam thị xã, với diện tích 45 ha, hiện đang trong quá trình khảo sát lập quy hoạch. Hạ tầng khu du lịch sinh thái ven Sông Minh.
Thị xã Hồng Lĩnh sẽ có chính sách và giải pháp gì để thu hút đầu tư vào địa bàn, thưa ông?
Thị xã Hồng Lĩnh đã và đang thực hiện lộ trình xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi. Thực sự sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, tạo mọi điều thuận lợi nhất để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện một số hạ tầng kỹ thuật và cung cấp các dịch vụ về điện, nước cho Dự án Trung tâm công nghiệp Dệt May, Da giày tại Cụm công nghiệp Nam Hồng. Phối hợp chặt chẽ với Tổng CTCP Dệt may Hà Nội để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án theo chuỗi Sợi - Dệt - May, từng bước hình thành trung tâm công nghiệp phía Bắc Hà Tĩnh. Hoàn thành quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào Cụm công nghiệp Cổng Khánh I.
Bên canh đó, chúng tôi thường xuyên theo dõi, nắm bắt, đánh giá tình hình triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, kịp thời xử lý các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Tổ chức rà soát, tham mưu HĐND Thị xã bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, tập trung cho các mô hình lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Thực hiện tốt công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư thu hồi đất triển khai các dự án. Tăng cường công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh gọn các thủ tục về cam kết môi trường, giao đất, cho thuê đất.