Việt Nam vay ASEAN 300 triệu USD đầu tư hạ tầng
Theo tin từ Reuters, Việt Nam sẽ nhận được khoản vay lớn nhất từ trước đến nay từ Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF), được thiết lập bởi các quốc gia Đông Nam Á và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để thúc đẩy hạ tầng cơ sở khu vực.
Trong đó, 100 triệu USD đã được Hội đồng AIF chấp thuận để đầu tư cho dự án truyền tải điện tại Việt Nam, được đánh giá là công trình điện lớn nhất sử dụng vốn vay từ AIF. Tổ chức này cũng sẽ cho Việt Nam vay 200 triệu USD cho dự án trị giá khoảng 380 triệu USD, phần còn lại Chính phủ Việt Nam chuẩn bị vốn đối ứng.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam đang thiếu trầm trọng vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng. "Với mục tiêu GDP đạt 300 tỷ USD đến năm 2020, trong đó vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng chiếm 10 - 11% thì ước tính mỗi năm Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để đầu tư cho lĩnh vực này", các chuyên gia của WB nhận định.
Tuy nhiên, vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn viện trợ phát triển (ODA), trái phiếu Chính phủ... lại thường chỉ đáp ứng 50-60% nhu cầu. Do vậy, việc nhận được khoản vay từ AIF sẽ là động lực để Việt Nam nâng cao năng lực của ngành điện và cơ sở hạ tầng, từ đó cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Theo đánh giá của ADB, khu vực ASEAN cần khoảng 60 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2020 để bổ sung cho các dự án có ảnh hưởng lớn như sân bay, cảng biển, và đường quốc lộ... Do đó, Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN được thành lập tháng 4/2012, với mục tiêu ban đầu cung cấp khoản vay khoảng 300 triệu USD mỗi năm cho các dự án trong khu vực.