Vượt khó để đầu tư vào nông nghiệp
Lập quy hoạch chi tiết cho đồng cỏ
Để có diện tích đất đủ lớn đã khó, nhưng khi có rồi, muốn triển khai dự án doanh nghiệp(DN) lại gặp không ít khó khăn. Ông Hà Văn Thắng, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học tỉnh Hòa Bình, bức xúc: “Hiện đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn rất hạn chế trong khi đang xảy ra tình trạng lãng phí rất nhiều. Tại Hòa Bình có các nông lâm trường, hộ dân chiếm dụng rồi bỏ không đất rất nhiều gây lãng phí mà địa phương không có biện pháp gì để xử lý. Trong khi đó, tỉnh này có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc. Chúng tôi lên kế hoạch phát triển 10 vùng lõi ở 10 huyện thị của tỉnh. Mỗi vùng lõi này sẽ sử dụng diện tích khoảng 100 ha để xây dựng các trang trại kiểu mẫu, liên kết với các hộ dân xung quanh để cùng phát triển ngành chăn nuôi của địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ mới phát triển được 3 trang trại do vướng về đất đai”.
Hiện đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn rất hạn chế trong khi đang xảy ra tình trạng lãng phí rất nhiều.
Ông Hà Văn Thắng, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học tỉnh Hòa Bình
Ông Thắng cho biết, theo luật xây dựng thì dự án sử dụng đất trên 100 ha phải lập quy hoạch 1/500. Các dự án chăn nuôi "mang tiếng" diện tích hàng trăm héc ta nhưng chỉ có 5 - 7 ha dành cho chuồng trại, còn lại toàn là đồng cỏ. Chính vì vậy nếu phải lập quy hoạch 1/500 tốn chi phí một cách rất vô lý. “Chẳng ai làm quy hoạch chi tiết trên đồng cỏ cả”, ông Thắng nói và cho biết đã phản ánh sự bất hợp lý này với Sở Xây dựng. Sở cũng đã xin ý kiến của Bộ thì được giải thích: “Luật quy định thế nên phải chấp hành. Tỉnh cũng ủng hộ DN lắm nhưng quy định như thế thì... chịu, không làm sao được”. “Báo cáo Thủ tướng hiện nay chúng tôi đã làm 3 trại bò rồi nhưng mà vẫn là làm lậu, lách luật. Tôi đề nghị ngành xây dựng chỉ quản lý các hợp phần xây dựng. Không thể vin vào dự án 100 ha thì phải quy hoạch chi tiết”, ông Thắng thú nhận và đề xuất giải pháp.
Một nông dân khác cũng thừa nhận phải lách luật trong đầu tư vào nông nghiệp là ông Võ Quan Huy. Ông Huy đang trồng chuối trên hàng ngàn héc ta để xuất khẩu đi Nhật, phải lách luật bằng việc nhờ người khác đứng tên sở hữu đất, sau đó làm hợp đồng ủy quyền lại cho ông sản xuất.
Ông Huy nói thêm: Nghị định 210 thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn bằng những chính sách ưu đãi nhưng khi tôi đầu tư trồng chuối ở vùng biên giới tỉnh Long An với Campuchia thì hoàn toàn không được hưởng chính sách nào cả. Đề nghị xây dựng chính sách theo tinh thần quản lý có trách nhiệm. Khi chúng tôi làm được phải được hưởng chứ không chạy đi xin xỏ như hiện nay.
Lo thịt ngoại đè thịt nội
Công ty TNHH Hùng Nhơn ký với De Heus (Hà Lan) một hợp đồng trị giá 50 triệu USD để xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín từ con giống đến thành phẩm. Mục đích cung cấp thực phẩm sạch và có thể truy xuất nguồn gốc cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Sản lượng dự kiến 3 triệu con gà thịt và 1 triệu con gà đẻ, 1.600 con heo nái, 15.000 con heo thịt, sản lượng rau củ quả khoảng 900 tấn mỗi năm. Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty Hùng Nhơn, nói: “Định hướng của chúng tôi là chăn nuôi không dùng kháng sinh và truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, có 2 vấn đề trong ngành thực phẩm. Đó là gà nhập lậu qua đường biên. Đây là vấn đề rất lớn trong việc an toàn dịch bệnh đối với người chăn nuôi trong nước và sức khỏe người tiêu dùng. Vấn đề thứ hai chính là thịt và phụ phẩm gia súc, gia cầm nhập khẩu chính ngạch từ các nước phương Tây. Chúng tôi khảo sát giá gà ở Bỉ, Mỹ, Hà Lan, giá bán bình quân tương đương 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Chúng tôi nuôi gà theo quy trình tốt nhất và cả chi phí sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, giá thành sản xuất 22.000 đồng/kg”. “Tôi đồng ý do thói quen ăn uống của người Tây và VN khác nhau nhưng không thể có chuyện giá một ký thịt gà nhập khẩu chỉ có 13.000 đồng/kg như đang có ở VN hiện nay vì nó còn có chi phí vận chuyển ở trong đó. Chính vì vậy để ngành chăn nuôi trong nước phát triển, nhà nước cần phải kiểm soát chặt hơn thịt nhập khẩu”, ông Hùng khẳng định.
Cũng theo ông Hùng, nhà nước không quản lý tốt các đối tượng làm ăn gian dối thì những người làm ăn chân chính không dám đầu tư. Trả lời về vấn đề này, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết: Đã và đang cố gắng chặn hàng lậu, giả vào VN. Tuy nhiên nhà nước không thể làm thay DN. Nếu như có biểu hiện bán phá giá thì DN phải là người đi đầu từ phát hiện vấn đề đến thu thập, cung cấp thông tin cho Bộ Công thương và chứng minh họ bán phá giá thế nào? Biên độ bao nhiêu? Trên cơ sở đó Bộ mới áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. "Trước đây, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai và các tỉnh khác cũng phản ánh về vấn đề này. Chúng tôi cũng đã làm việc với họ nhưng do chưa đủ thông tin nên chưa thể áp dụng các biện pháp phòng vệ. Đây là việc hết sức khó khăn, các DN cần phải đoàn kết lại", ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cũng cho rằng: Ngành tôm VN đạt doanh thu xuất khẩu mỗi năm 3 - 4 tỉ USD nhưng gần như không có một chính sách nào để thúc đẩy ngành này tiếp tục phát triển. Trong khi đó, tiềm năng phát triển của ngành rất lớn, đặc biệt là vùng ĐBSCL. “Ngành tôm có thể đạt doanh thu xuất khẩu đến 10 tỉ USD nếu có chính sách rõ ràng về việc mở rộng diện tích, đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút DN”, ông Hoàng Anh khẳng định.