Đánh thức tiềm năng Bắc Trung bộ
Nhiều tiềm năng nhưng chưa biết khai thác
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: Bắc Trung bộcó tài nguyên khoáng sản đa dạng, chiếm 60% trữ lượng quặng sắt, 80% thiếc, 100% cromit và 40% đá vôi so với toàn quốc. Trong vùng có một số mỏ khoáng sản giá trị như mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), mỏ cromit Cổ Định (Thanh Hóa), mỏ thiếc Quỳ Hợp (Nghệ An). Ngoài ra, Bắc Trung bộ cũng là nơi cung cấp đá hoa cương và đá vôi trữ lượng lên tới hàng tỷ tấn cho thị trường cả nước. Đây là cơ sở tốt để phát triển công nghiệp khai khoáng, luyện kim, và sản xuất vật liệu xây dựng.
Về lâm nghiệp, hiện Bắc Trung bộ quản lý 3.436 ngàn hécta đất, trong đó đất rừng có 1.633 ngàn héc ta, đất không rừng gần 1.600 ngàn ha là tiềm năng lớn cho phát triển nghề rừng. Về kinh tế biển, Bắc Trung bộ có khoảng 670km bờ biển với nhiều cửa sông, thềm lục địa rộng, nhiều tài nguyên. Ước tính trữ lượng cá khoảng 620.000 tấn, tôm 2.750 tấn, mực 5.000 tấn, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển tổng hợp.
Bắc Trung bộ cũng là vùng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Cửa Lò, Nhật Lệ,… nhiều cảnh quan thiên nhiêu kỳ thú, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc có giá trị. Nơi đây còn là quê hương của nhiều lễ hội truyền thống mang tính văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia đã và đang được mở rộng như: Bạch Mã, Bến Én, Vũ Quang, Anh Sơn, Thanh Thủy,… đặc biệt là rừng thiên nhiên và động Phong Nha, tất cả tạo nên tiềm năng phát triển to lớn tại khu vực.
Bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, Bắc Trung bộ còn có nhiều lợi thế khác như nguồn lao động. Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, hiện nay dân số của vùng có gần 11 triệu người, trong đó gần 6 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 13% lực lượng lao động cả nước. Theo dự báo đến năm 2015, dân số trong độ tuổi lao động của địa bàn là 12,5 triệu người, chiếm 63% dân số Trung bộ và 12% lực lượng lao động cả nước.
Bắc Trung bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Đây là vùng có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội.
Tại hội nghị, UBND các tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 11 dự án đầu tư của các DN trong và ngoài nước. Trong đó, Nghệ An 4 dự án; Hà Tĩnh 3 dự án; Thanh Hóa 2 dự án; Quảng Bình và Quảng Trị mỗi địa phương 1 dự án.
|
Những năm gần đây, tiềm năng Bắc Trung bộ đang được đánh thức với sự phát triển mạnh mẽ của các khu kinh tế ven biển như Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An), Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); Hòn La (Quảng Bình); Chân Mây (Thừa Thiên Huế)…
Tiềm năng thì như vậy, nhưng các tỉnh Bắc Trung bộ chưa biết tận dụng những tiềm năng của mình trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Do đó, tính đến nay toàn khu vực Bắc Trung bộ mới chỉ có 243 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng giá trị đầu tư đăng ký khoảng 19,9 tỷ USD, chiếm gần 10% vốn đăng ký FDI của cả nước. Đây là con số khá nhỏ so với tiềm năng của vùng.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó phải kể đến những nguyên nhân như cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng lao động chưa cao, và chưa có những chủ trương thu hút đầu tư hợp lý.
Để thu hút đầu tư vào Bắc Trung bộ
Đây là một bài toán khó nhưng không phải không có cách giải quyết. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để thu hút đầu tư, Bắc Trung bộ cần đầu tư phát triển một cách đồng bộ, tuy nhiên không có nghĩa là đầu tư dàn trải, không tập trung cái gì cũng làm. Cả vùng cần phải xác định lợi thế của mình so với những vùng khác, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực đó. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, phát triển là yêu cầu tất yếu nhưng cũng không phải đẩy mạnh phát triển bằng mọi giá, và bên cạnh phát triển công nghiệp cũng phải phát triển nông nghiệp - thế mạnh của vùng,lĩnh vực mang lại lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân, đó mới là sự phát triển bền vững. Phó Thủ tướng cũng đề nghị, các Bộ ngành cần có sự hỗ trợ kịp thời đối với Bắc Trung bộ. Đồng thời, bản thân các địa phương trong vùng cần xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng, tạo cơ hội cho các DN làm ăn chân chính đến đầu tư.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, Bắc Trung bộ phải quan tâm đến các vấn đề bao gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xác định những danh mục dự án quan trọng và tập trung thu hút đầu tư; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; khai thác các lợi thế sẵn có của vùng;…
Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), bà Victoria Kwakwa cũng đánh giá cao tiềm năng của vùng Bắc Trung bộ. Bà cho rằng, sở dĩ Bắc Trung bộ chưa tạo được đột phá trong thu hút đầu tư bởi vùng chưa biết cách khai thác lợi thế của mình. Theo bà, để khai thác tốt lợi thế, cần đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương trong vùng, nhằm tạo ra sự đồng thuận hướng tới xây dựng một khu vực có môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao cạnh tranh lành mạnh và xây dựng thương hiệu cho cả khu vực. WB sẽ tiếp tục có những hỗ trợ tích cực đối với Bắc Trung bộ, để đưa nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư.