Sân bay Vân Đồn khởi công 2010
Dự án đã được phía đối tác là Công ty Rockingham Asset Management LLC (Hoa Kỳ) báo cáo với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khá cụ thể, chi tiết.
Theo đó, sân bay Vân Đồn sẽ là trung tâm, để từ đây có các đường bay tới nhiều châu lục và quốc gia trên thế giới. Sân bay được đặt trong không gian liên kết với các quốc gia láng giềng của Việt Nam, và hình thức đầu tư của dự án sẽ là BOT, với thời gian đầu tư kéo dài từ 25 lên đến 35 năm và được chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn I (từ 2010 đến 2014), giai đoạn II (từ 2016 đến 2020), giai đoạn III (từ 2026 đến 2030), với tổng vốn đầu tư ước khoảng 2,3 tỷ USD.
Để hoàn thành báo cáo tiền khả thi Dự án sân bay Vân Đồn trình Chính phủ, bộ, ngành chức năng trong tháng 10/2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị nhà đầu tư khẩn trương bổ sung, cập nhật quy hoạch hàng không dân dụng Việt Nam tầm nhìn 2020, từ đó đưa ra những tính toán cụ thể sát thực hơn về quy mô, lộ trình và các giai đoạn thực hiện Dự án.
Khu kinh tế Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động vào cuối tháng 7/2007. Quy mô toàn khu kinh tế gồm toàn bộ huyện đảo Vân Đồn (cả phần đất liền và mặt biển).
Dự kiến quy hoạch đợt đầu, giai đoạn đến năm 2015, sẽ có khoảng 40 dự án ưu tiên đầu tư vào khu kinh tế Vân Đồn, với tổng kinh phí ước tính 5.154 triệu USD.
Các dự án này sẽ tạo động lực, tiền đề cần thiết để phát triển khu kinh tế Vân Đồn theo đúng quy hoạch. Bên cạnh đó, cộng đồng nhà đầu tư đến đầu tư tại khu kinh tế Vân Đồn sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư và các quyền lợi hợp pháp khác.