Tại sao các nhà kinh tế và các nhà đầu tư chứng khoán lại nghiên cứu chỉ số BDI?
The Baltic Dry Index (BDI), được xây dựng năm 1744 bởi công ty Virginia and Baltick Coffêhouse ở London, là chỉ số thể hiện mức độ vận chuyển hàng hóa khô bằng đường biển - loại trừ dầu mỏ và khí hóa lỏng - trên thế giới.
BDI là một trong những chỉ báo thuần tuý nhất về tình hình kinh tế thế giới đang diễn ra. Nó đo lường nhu cầu vận chuyển nguyên liệu cho sản xuất cũng như nguồn cung tàu sẵn có để vận chuyển hàng hoá.
BDI không nhạy cảm với sự thay đổi của giá nhưng lại rất nhạy cảm với nhu cầu vận chuyển hàng thực tế. Bởi việc đóng mới một tàu tốn rất nhiều chi phí và thời gian (khoảng 2 năm), nguồn cung tàu có giới hạn trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao sẽ dẫn đến việc chỉ số BDI tăng lên một cách nhanh chóng. Trong khi nếu nhu cầu vận chuyển hàng qua đường biển sụt giảm sẽ làm BDI giảm nhanh.
Vì vậy, BDI là chỉ số đại diện cho tương quan cung cầu vận chuyển đường biển hàng hoá khô như vật liệu xây dựng, than đá, dầu thô, quặng kim loại và ngũ cốc. Bên cạnh đó, hàng hoá khô còn bao gồm các nguyên liệu thô được sử dụng làm đầu vào sản xuất ra bán thành phẩm hoặc thnàh phẩm như bê tông, điện, thép, thực phẩm.
Tại sao các nhà kinh tế và các nhà đầu tư chứng khoán lại quan tâm đến BDI?
Chỉ số BDI phản ánh cung cầu của hàng hoá nên được xem như thước đo của sự tăng trưởng sản xuất và của nền kinh tế thế giới trong tương lai. Bởi vì BDI “phản ánh sự biến động giá vận chuyển bằng đường biển của nguyên vật liệu” – theo The Baltic, nó chỉ đưa ra cái nhìn tương đối về sự phát triển của vận tải biển và sự chính xác của khối lượng giao thương toàn cầu – đã loại bỏ yếu tố chính trị.
Đây là một chỉ báo cực kỳ quan trọng, bởi nó đưa ra cái nhìn về nền kinh tế trong tương lai. Nói theo cách khác, các công ty phải lên kế hoạch về cái họ sẽ cần để sản xuất, và đặt tàu để chở hàng mua. Nếu không cần nguyên liệu để sản xuất, họ sẽ không đặt tàu.
Chỉ số giá tiêu dùng và các chỉ báo kinh tế khác đều được nghiên cứu trên những cái đã xảy ra. Các con số về bảng lương hoặc số lao động đều được tính bằng cách ước lượng, còn mức độ tin cậy của người tiêu dùng thì thường được đo bằng cảm tính, con số về tổng sản phẩm quốc dân (gross national product) thường được điều chỉnh lại một cách phù hợp…
Trong khi đó, chỉ số BDI đưa ra một cái nhìn thoáng qua về nhu cầu thực tế về nguyên liệu và cơ sở hạ tầng toàn cầu. Không giống như thị trường chứng khoán và thị trường hàng hoá, chỉ số BDI hoàn toàn loại bỏ các nhà đầu cơ. Việc giao dịch bị giới hạn không chỉ bởi số thành viên các công ty tham gia mà còn bởi các hợp đồng bảo đảm giữa các bên liên quan là những người có hàng hoá thực tế vận chuyển và những người có tàu để chở.
Nhìn vào diễn biến của BDI có thể dự đoán được khủng hoảng?
BDI đã tăng 160% trong vòng 17 tháng từ tháng 01/2007 đạt đỉnh 11.793 điểm vào ngày 20/05/2008 khi nguồn cung kim loại (thép và các loại nguyên liệu xây dựng) từ Trung Quốc (chiếm 50% nguồn cung toàn thế giới) xuất đi các nước trên thế giới tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2002 – 2007.
Nửa năm sau, vào ngày 05/12/2008, chỉ số này “rơi tự do” khi giảm tới 94%, xuống 663 điểm, mức thấp nhất kể từ năm 1986. Đây cũng là thời điểm nền kinh tế toàn bắt đầu đi vào trạng thái trì trệ.
Khắp nơi trên thế giới, Mỹ, Nhật, Trung Quốc đều lên tiếng cảnh báo về khủng hoảng đang xảy ra trên toàn cầu. Hàng loạt vụ đổ vỡ ngân hàng, các hoạt động LC bị đình trệ khiến hàng hóa bị tắc tại cảng, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu trên khắp thế giới đều giảm mạnh khi các công ty thu hẹp sản xuất…
Tuy nhiên, đã có “ánh sáng le lói cuối đường hầm” khi cuối năm 2008, BDI tăng trở lại. Ngày 04/02/2009, nó đã tăng lên gấp 2, đạt mức 1.316 điểm và đạt đỉnh 2.320 vào cuối tháng 2.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khủng hoảng chưa thể qua một cách dễ dàng, ít nhất phải đến cuối năm 2009, thậm chí đến năm 2010 nền kinh tế thế giới mới có thể hồi phục trở lại.
Kể từ cuối tháng 2, BDI liên tục sụt giảm. Ngày 07/04, BDI giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng, còn 1.468 điểm do lo ngại về sự sụt giảm về nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc.
Giá cho thuê những tàu hạng nặng chuyên dụng chở quặng sắt giảm 10 tháng liên tiếp xuống còn 17.081 USD/ngày. Trong khi đó, giá cho thuê những tàu panamax cỡ nhỏ hơn giảm 3,6% xuống còn 9.162 USD/ngày.
Ngày 10/04/2009, chỉ số BDI đã tăng lại 1% tại London, đây là lần đầu tiên BDI tăng điểm trở lại kể từ ngày 10/03/2009.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng sự tăng điểm trở lại của BDI sẽ kéo dài một cách bền vững và chúng ta có thể hy vọng về sự hồi phục sớm của nền kinh tế thế giới.