Việt Nam sẽ là trung tâm phân phối hàng hóa tại ASEAN

Từ ngày 2/11, ông Phil Hogan và đoàn doanh nghiệp (DN) cấp cao của 42 công ty châu Âu bắt đầu chuyến công tác tại Việt Nam. Mục đích của chuyến công tác là tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và đầu tư. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan trọng khi EU và Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA và dự kiến sẽ sớm ký kết trong thời gian tới.
Tại cuộc họp báo, ông Hogan cho biết, Việt Nam (cụ thể là Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương) và EU sẽ có những buổi làm việc cụ thể để có thể triển khai EVFTA ngay khi Hiệp định có hiệu lực.  
 
Ông Hogan đánh giá việc tiếp cận thị trường của hai bên là vô cùng quan trọng. Về phía EU, các DN rất kỳ vọng vào thị trường Việt Nam (hiện đã nhập khẩu khoảng 170 tỷ EUR các mặt hàng như rượu, thịt, rau...). Đặc biệt các DN cũng kỳ vọng sẽ tìm kiếm được cơ hội hợp tác về sản xuất sữa tại Việt Nam, vì hiện Việt Nam vẫn cần nhập khẩu nguồn nguyên liệu sữa khá lớn.
 
Ông Hogan cũng cho biết, tới đây, Bộ NN&PTNT cũng sẽ có đoàn công tác tới Bỉ để làm việc. Cụ thể, hai bên sẽ thống nhất dỡ bỏ nhiều rào cản về kỹ thuật của các ngành hàng nông sản. Sau cuộc làm việc này, DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường châu Âu hơn ngay khi EVFTA có hiệu lực.
 
“Chúng tôi đánh giá Việt Nam sẽ là một trung tâm phân phối hàng hóa tại ASEAN. Tại châu Á, chúng tôi đánh giá cao tiềm lực của Việt Nam và Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc chúng tôi đã có nhiều hợp đồng được ký kết, hy vọng tới đây Việt Nam cũng sẽ là đối tác tin tưởng của EU. Các DN EU sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm về canh tác nông nghiệp hiện đại và các mô hình đầu tư trong nông nghiệp...”, ông Hogan chia sẻ.
 
Ngoài cơ hội hợp tác, chuyến thăm của 42 DN EU cũng được đánh giá là cơ hội để giúp DN trong lĩnh vực nông nghiệp tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA mang lại khi thuế suất ưu đãi nhiều mặt hàng về 0% khi Hiệp định có hiệu lực, vì EU gồm những nước có công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. 
 
“Chúng tôi tự tin rằng người tiêu dùng Việt Nam sẽ có ấn tượng với chất lượng và sự phong phú trong các sản phẩm của chúng tôi. EU duy trì những tiêu chuẩn chất lượng cao nhất về thực phẩm trên thế giới, trong đó bao gồm sản phẩm thịt và sữa chất lượng cao, rau quả... Các sản phẩm này có thể góp phần tăng cường hoạt động thương mại ngay tại Việt Nam, giúp tăng tốc độ tăng trưởng và tạo việc làm cho người dân Việt Nam”, ông Hogan chia sẻ.
 
Trên thực tế, hàng hóa của Việt Nam và các nước EU mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp, nên việc EVFTA được ký kết được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích, tạo ra sự tăng trưởng đột biến về thương mại hai bên, trong đó có lĩnh vực nông sản. EU là một trong những thị trường quan trọng của Việt Nam khi xuất khẩu hàng nông, thủy sản.
 
Tại cuộc họp báo, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, trong bất kỳ đàm phán hiệp định thương mại nào, nông sản là lĩnh vực khó khăn, phức tạp nhất vì có liên quan đến sức khỏe con người, toàn bộ người dân hai phía, liên quan cộng đồng lao động mỗi bên. 
 
Song, với EVFTA, chúng ta đã đạt được điểm cân bằng về lợi ích khi có thể kết thúc đàm phán, tiến tới ký kết và thực thi hiệp định từ năm 2018.