Cảnh báo rác công nghệ
Ông nhắc lại một kinh nghiệm: “Trước đây xe máy giá siêu rẻ của Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường và sau đó biến mất hẳn do chất lượng không được chấp nhận. Không ai để ý “xác” của lượng xe máy khổng lồ này đang trôi dạt nơi nào và là một nguồn gây ô nhiễm môi sinh rất lớn”.
Từ điện thoại siêu rẻ
Chỉ trong vài năm giới kinh doanh điện thoại di động VN chạy đua cho ra mắt vô số thương hiệu. Điểm nổi bật của các thương hiệu này chính là những tính năng tầm tầm được hiện diện rộng rãi: nghe nhạc, quay phim, chụp hình... hay khá hơn chút thì màn hình cảm ứng, bluetooth, hai sim hai sóng... Nhìn chung, máy của thương hiệu này gần giống thương hiệu khác từ kiểu dáng, tính năng đến giá cả.
Ngày nay, để có thể làm một thương hiệu điện thoại di động cho riêng mình không hề khó. Theo những người trong ngành, chỉ cần qua Thâm Quyến (Trung Quốc), ghé vào các trung tâm thương mại sẽ có vô số nhà sản xuất sản phẩm thô (OEM) sẵn sàng cung ứng sản phẩm theo đủ mọi nhu cầu: từ bình dân nhất đến cao cấp nhất. Muốn mẫu nào cũng có, muốn giá nào cũng có. Nhưng chỉ được “lựa” chứ không được “sửa”, nên doanh nghiệp buôn qua bán lại kiểu này đành chịu chết, không thể can thiệp bất cứ điều gì về sản phẩm từ tính năng, kiểu dáng đến chất lượng. Chính vì thế nhiều đơn vị kinh doanh điện thoại di động VN từng dở khóc dở cười vì mẫu mã của họ “đụng” nhau. Điều đó rất dễ xảy ra vì ngay chính các nhà sản xuất OEM tại Trung Quốc cũng chỉ copy mẫu của các hãng lớn.
Ngoài ra, có người nhập điện thoại theo đơn vị... ký lô, hàng cũ, hàng hư hỏng, hàng vứt đi... đều được mua về. Chất lượng không cần quan tâm vì cứ 10 cái thì chỉ có một cái dùng được, chín cái còn lại “xẻ thịt” bán linh kiện hoặc tân trang bán giá rẻ cũng đủ lời. Có đại gia khác thì nhập nguyên lô hàng 2.000 điện thoại mới toanh, dự định làm một cuộc đột phá nhưng về tới nơi mới hay toàn bộ lô hàng đều bị lỗi. Trả lại không được, bán thì sợ mất uy tín, đem bỏ thì không đành, thế là đem cho toàn bộ nhân viên của mình mỗi người một cái, và giá trị lớn nhất của chiếc điện thoại này là chiếc xe đồ chơi đi kèm.
Tất cả những động thái này đang đẩy thị trường điện thoại VN vào cảnh hỗn loạn với khả năng trở thành một bãi rác công nghệ ngày càng lớn hơn.
Những nỗ lực tái chế
Một trong những đơn vị tiên phong phất cờ “tái chế điện thoại để bảo vệ môi trường” là Nokia, khi tổ chức hẳn một chiến dịch rầm rộ hồi trung tuần tháng 6 để thu gom 5.000 chiếc điện thoại cũ đủ nhãn hiệu tại khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước. Họ công bố kết quả nghiên cứu trên 6.500 khách hàng khắp 13 quốc gia, trung bình mỗi người dân sở hữu khoảng ba chiếc điện thoại, nhưng rất ít trong số đó nghĩ đến việc tái chế chúng ngay cả khi không còn dùng đến nữa. Chỉ có 3% cho biết họ đã tái chế điện thoại cũ của mình. Trong khi đó, chiếm đa số, khoảng 44%, cho biết họ giữ lại những chiếc điện thoại cũ mặc dù không hề sử dụng đến.
Trong khi đó, từ khá lâu Sony Ericsson đã phát động chế độ bảo hành môi trường toàn cầu, đảm bảo mọi sản phẩm được mang đến các điểm thu gom chỉ định sẽ được tái chế theo cách có lợi cho môi trường.