Theo Điều 7, Phần 319, phần phụ lục của Bộ luật Các quy định liên bang (CFR), Mỹ cấm nhập khẩu một số mặt hàng nông sản từ một số quốc gia nhất định vì lý do phòng ngừa lây truyền dịch bệnh. Tuy nhiên, trước yêu cầu của Tổ chức Bảo vệ thực vật quốc gia của Việt Nam (NPPO) đồng thời cam kết Việt Nam sẽ có quy trình xử lý dịch bệnh đối với nhãn và vải xuất sang Mỹ, Cơ quan kiểm tra sức khỏe động và thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ (APHIS) đã công bố dự thảo sửa đổi các quy định liên quan.
APHIS đã liệt kê 16 loại sâu, côn trùng, nấm có thể thông qua vải tươi và 17 loại có thể thông qua nhãn tươi từ Việt Nam xâm nhập vào Mỹ. Kèm theo đó, APHIS cũng xây dựng một hệ thống giảm thiểu dịch bệnh, đòi hỏi các nhà cung cấp nhãn và vải tươi của Việt Nam phải thỏa mãn.
Theo tiêu chuẩn này, vải và nhãn xuất sang Mỹ phải được trồng ở những vườn có đăng ký và được NPPO theo dõi. Sản phẩm sau thu hoạch phải được xử lý bằng bức xạ ở mức tối thiểu là 400 Gy, để có thể loại bỏ được 14 trong tổng số loại sâu, côn trùng có thể có trong vải và 16 trong tổng số 17 loại sâu, côn trùng có thể đi theo nhãn. Dự thảo sửa đổi cũng yêu cầu phải có giấy chứng nhận của NPPO trong mỗi lô hàng, đảm bảo không có dịch bệnh.
Nếu dự thảo sửa đổi được thông qua, và các nhà sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng quy trình nghiêm ngặt trên, nhãn và vải tươi từ Việt Nam có thể được xuất khẩu vào Mỹ và bán ở phần lớn quốc gia hiện có hơn 300 triệu dân này, trừ bang Florida.
Hiện nhãn và vải đang được trồng tại Florida và với quy mô nhỏ hơn ở Hawaii và California. Sản lượng của toàn nước Mỹ trong năm 2008 là 535 tấn vải và 776 tấn nhãn. Dự thảo của APHIS đánh giá, nếu cho phép xuất khẩu nhãn và vải tươi Việt Nam vào Mỹ, ngành trồng và chế biến hai mặt hàng này của các doanh nghiệp Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, trong thời gian xem xét dự thảo từ nay tới 27/12, các doanh nghiệp hay tổ chức của Mỹ có thể tham gia phân tích và gửi kiến nghị. Và APHIS cũng dự báo có thể có tác động tới những công ty đang kinh doanh tại thị trường ở Mỹ, nơi có nhiều người gốc châu Á và Mỹ Latinh có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm giá rẻ hơn.
Theo APHIS, các doanh nghiệp Việt Nam dự kiến xuất sang Mỹ 600 tấn vải và 1.200 tấn nhãn, tương đương với 18% lượng vải và hơn 100% lượng nhãn mà Mỹ nhập khẩu từ các nước khác trong năm 2010.