Tài chính ngân hàng tuần 24 - 30/9: 4 nguyên lãnh đạo ACB bị khởi tố
Khởi tố 4 nguyên lãnh đạo ngân hàng ACB
Ngày 27/9, ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ và Phạm Trung Cang lại chính thức bị cơ quan điều tra khởi tố. Theo đó, các ông này có liên quan đến việc: Ra chủ trương cho ủy thác cho nhân viên dùng tiền ACB gửi vào các TCTD sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng; Đồng phạm với Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, xét thấy 4 nguyên lãnh đạo ACB có thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, có nơi cư trú rõ ràng, xét tính chất và mức độ hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, Cơ quan điều tra đã thống nhất với Viện KSND Tối cao áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cho tại ngoại.
Sau vụ bắt giữ 4 cựu lãnh đạo ACB, chính phủ khẳng định sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng này. Lãnh đạo ACB cũng khẳng định hoạt động giao dịch vẫn bình thường và nếu khoản tiền 178,908 tỷ đồng nếu bị mất cũng không quá lo ngại bởi khoản lãi của ngân hàng thừa sức để bù đắp.
Moodys và S&P đánh giá lại xếp hạng của các ngân hàng
Ngày 26/9, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P điều chỉnh mức Đánh giá Rủi ro Hệ thống Ngân hàng Quốc gia (BICRA) từ nhóm 10 (rủi ro rất cao) xuống nhóm 9 (rủi ro cao) kèm theo nhận định những rủi ro với hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm bớt.
Hãng này đồng thời nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Sacombank, Vietcombank, Techcombank từ B+ lên BB- và xếp hạng tình trạng tín dụng độc lập (SACP) từ b+ lên bb-. Giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn B+ đối với BIDV và Vietinbank; nâng SACP của hai ngân hàng này từ b lên b+.
Ngày 28/9, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B1 xuống B2 và hạ xếp hạng năng lực tín dụng độc lập từ E+ xuống E của 8 ngân hàng TMCP bao gồm: ACB, BIDV, MB, SHB, Sacombank, Techcombank, VIB, Vietinbank.
BIDV lỡ hẹn niêm yết cổ phiếu Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM ngày 28/9 đã thông qua hồ sơ đăng ký niêm yết 2.301.170.542 cổ phiếu của Ngân hàng BIDV. Tuy nhiên, thời hạn niêm yết đã được điều chỉnh 2 lần (Hồi đầu năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Bắc Hà phát biểu rằng sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào tháng 6, sau đó ngân hàng công bố sẽ dời lại thời hạn niêm yết cổ phiếu tới cuối quý 3), BIDV lại lỡ hẹn niêm yết cổ phiếu do chưa hốt được giá niêm yết lần đầu.
Lãi suất đang ở đáy
Từ đầu tháng 9 tới nay, các ngân hàng, khởi đầu là ACB, đã đồng loạt nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 12 tháng lên tới 12,5 - 13%, thậm chí 14%/năm với những khoản tiền lớn. Có ý kiến cho rằng, việc giá vàng tăng cao chính là nguyên nhân khiến vấn đề lãi suất nóng trở lại.
Ông Trần Mộng Hùng, một trong những thành viên sáng lập ngân hàng ACB cho biết, NHNN đã cho ACB vay 250.000 lượng vàng, tương đương 9,25 tấn để chi trả cho người dân trong những ngày sau vụ bắt giữ bầu Kiên. Số vàng này ACB chỉ sử dụng phần nhỏ.
Nhưng vấn đề đặt ra là NHNN lấy vàng ở đâu để hỗ trợ ACB nếu như không có dự trữ ngoại hối bằng vàng? Nếu Việt Nam có dự trữ ngoại hối bằng vàng và mức dự trữ đủ để can thiệp thị trường khi cần thiết, thì điều hành chính sách tiền tệ đã có một điểm tựa mới. Nó sẽ cho thấy sự chủ động của cơ quan quản lý và chúng ta có căn cứ để tin tiền đồng tiếp tục giữ được ưu thế trên thị trường tài chính.
Đình chỉ lưu hành tiền cotton loại 10.000 đồng và 20.000 đồng
Theo thông báo của NHNN, từ ngày 01/01/2013, đồng tiền cotton loại 10.000 đồng và 20.000 đồng hết giá trị lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam. Các tổ chức và cá nhân có các loại tiền này được đổi ngang giá trị sang các loại tiền đang lưu hành do NHNN phát hành tại Sở Giao dịch NHNN, chi nhánh NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước tại các tỉnh, thành phố.