TP.HCM: hàng “chôn chân” tại cảng
Theo thống kê bốn tháng đầu năm, tổng lượng hàng qua các cảng ở TP.HCM là 18 triệu tấn, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó lượng hàng xuất khẩu tăng tới 44% trong khi hàng nhập khẩu giảm 7,3%.
Thông thoáng hàng container
Dù lượng hàng xuất tăng mạnh nhưng theo thông tin từ các cảng và hãng tàu container, lượng hàng xuất khẩu bằng container không tăng đột biến. Tình trạng ách tắc hàng hoá không còn thường xuyên xảy ra tại các cảng như Tân Cảng, Cát Lái, VICT, ICD Phước Long...
Hiện nay do việc thi công cầu Phú Mỹ, một số hãng tàu đã chuyển tàu từ cảng VICT sang làm hàng ở cảng Cát Lái. Tuy vậy hoạt động của cảng Cát Lái vẫn diễn ra bình thường, không có xáo trộn đột biến.
Tình trạng ứ đọng hàng gần đây ít xảy ra là do năng suất xếp dỡ của các cảng được cải thiện đáng kể. Điển hình là cảng Cát Lái hiện nay đã tăng năng lực xếp dỡ lên 42 chuyến tàu một tuần với thời gian nằm tại cầu cảng chỉ còn 18,6 giờ một tàu.
Việc vận chuyển hàng container ra khỏi cảng Cát Lái chỉ bị tắc ở phần giao thông ngoài cảng do đường Nguyễn Thị Định khá hẹp và nút giao thông Cát Lái đang được thi công.
Tàu hàng rời khó khăn tìm bến đậu
Trong khi đó, nhiều tàu hàng rời đang neo đậu trong khu vực TP.HCM nhưng hoa tiêu vẫn chưa thể lên tàu do chưa tìm được bến đậu. Tình hình kẹt cầu cảng xảy ra ở hầu hết các cảng như Khánh Hội, Bến Nghé, Lotus, cảng rau quả...
Theo một số đại lý chuyên tìm cầu cảng cho chủ tàu thì tàu trước khi cập cảng phải “order” hoa tiêu, cầu cảng trước nhiều ngày. Thậm chí tàu nằm chờ ngoài neo mấy ngày để chờ tới lượt xếp hoặc dỡ hàng trong khi thời gian làm hàng của một tàu trọng tải 5.000 tấn chỉ khoảng trên dưới 48 tiếng.
Theo Long, một chủ hàng thu gom sắn lát, trước đây đầu nậu Trung Quốc thường trả tiền hàng ngay khi gom đủ hàng nhưng hiện nay chỉ đặt cọc trước 20% do lo sợ giá sắn lát biến động trong thời gian tàu neo nằm chờ cập cảng. Tàu chở gỗ dăm đi Trung Quốc thì dạt xuống cảng Bourbon (Long An).