Từ 1/1/2017: Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không

 
Để chuẩn bị cho kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) đối với các thủ tục tàu bay xuất nhập cảnh tại cảng hàng không, Tổng cục Hải quan đang đề nghị các hãng hàng không và các cơ quan quản lý Nhà nước khác có liên quan chuẩn bị hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các quy định về kết nối kỹ thuật với hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia.
 
Căn cứ quy định tại Điều 61 Nghị định 08/2015/NĐ-CP thì các hãng hàng không có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Hải quan các hồ sơ như: Bản khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường hàng không trong trường hợp tàu bay vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thông tin về vận đơn thứ cấp trong trường hợp tàu bay vận chuyển hành khách; danh sách tổ lái và nhân viên làm việc trên tàu bay; bản lược khai hành lý ký gửi trong trường hợp tàu bay vận chuyển hành khách.
 
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị các doanh nghiệp khai thác kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh và bưu chính, các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi xây dựng hệ thống thông tin đáp ứng các quy định về kết nối, trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan.
 
Theo Tổng cục Hải quan, sau khi đạt được những kết quả tích cực trên lĩnh vực đường biển, căn cứ kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và NSW, Tổng cục Hải quan đã xúc tiến các buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan để triển khai đối với đường hàng không.
 
Xuất phát từ thực tế hiện nay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không (hãng hàng không, cảng vụ, đơn vị kinh doanh kho hàng không…) mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục với cơ quan quản lý. Do nhiều cơ quan quản lý có quy định riêng rẽ nên để thực hiện thủ tục theo quy định của từng bộ, ngành, doanh nghiệp phải gửi thông tin đến nhiều đơn vị và hầu hết thực hiện bằng phương thức thủ công. Đáng chú ý là có nhiều thông tin trùng nhau nhưng doanh nghiệp vẫn phải gửi cho từng cơ quan cụ thể như thông tin về chuyến bay, thông tin về hành khách…
 
Vì vậy, nếu thực hiện NSW, doanh nghiệp chỉ phải gửi thông tin đến một đầu mối duy nhất, gửi một lần duy nhất bằng phương thức điện tử. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính mà hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng cũng được nâng cao.
 
Theo kế hoạch do Tổng cục Hải quan xây dựng, các công việc cụ thể cần được thực hiện để đạt được mục tiêu trên là hoàn thiện cơ sở pháp lý; hoàn chỉnh yêu cầu nghiệp vụ, quy trình quản lý của cơ quan Hải quan đối với hàng hóa, phương tiện qua đường hàng không; xây dựng mô hình kết nối, tiếp nhận thông tin từ hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh cảng và kho hàng không và chia sẻ đến cơ quan quản lý Nhà nước liên quan; tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền…
 
Tính đến 29/8/2016, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 10 Bộ bao gồm: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng. 
 
Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), 33 thủ tục hành chính của 9 bộ, ngành còn lại đã thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tính đến 15/9/2016 là hơn 165.000 bộ, với sự tham gia của khoảng 7.598 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực này.