Viễn thông - Điện lực tố nhau
Tại buổi họp về phát triển hạ tầng mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Viettel cho biết, trong quá trình mở rộng vùng phủ sóng, lắp đặt trạm BTS, doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn. Không ít lần Viettel bị EVN gây trở ngại trong việc cung ứng điện để các trạm BTS duy trì hoạt động.
Phía Viettel dẫn chứng, tại Ninh Bình, có tới 46 trạm BTS của Viettel không được đáp ứng về nguồn điện. "Ông nhà đèn" yêu cầu hãng phải tự xây dựng trạm biến áp để phục vụ cho các trạm thu phát sóng nếu muốn duy trì hoạt động. Trong khi đó, chi phí cho một trạm biến áp thường gấp khoảng 2 lần so với việc xây dựng một trạm BTS. Viettel cho rằng đầu tư như vậy là lãng phí vì công suất sử dụng của một trạm BTS chỉ khoảng... 2 chiếc bàn là.
EVN than trạm thu phát sóng di động quá nhiều khiến lưới điện không đủ đáp ứng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một số doanh nghiệp khác như VinaPhone, MobiFone cũng phản ánh hiện tượng tương tự. Không ít lần họ bị làm khó khi lắp đặt trạm thu phát sóng tại các vùng nông thôn. Trong khi điện lưới có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của một trạm thu phát sóng. Nếu không có điện thì một trạm BTS với chi phí đầu tư khoảng 30.000-50.000 USD chỉ có nước đắp chiếu hoặc hoạt động tậm tịt khi sử dụng máy nổ.
Theo một lãnh đạo của VinaPhone, trong quá trình kéo cáp, lắp đặt trạm BTS tại một số địa phương họ bị "hành" rất nhiều. Bên điện lực đòi có chữ ký của lãnh đạo địa phương, đại diện chính quyền và hợp đồng thuê địa điểm của chủ nhà và có công chứng mới được cấp điện, điển hình như tại khu vực Tây Nguyên và một số điểm ngay giữa Hà Nội. "Không ít trạm BTS không có điện lưới, chúng tôi phải dùng máy nổ để duy trì hoạt động", lãnh đạo VinaPhone cho biết.
Tuy nhiên, ông Trịnh Ngọc Khánh, Trưởng Ban Kinh doanh của EVN, khẳng định không có chuyện EVN hay các đơn vị điện lực thành viên gây khó dễ cho các doanh nghiệp viễn thông. "Chúng tôi chưa nhận được văn bản nào từ phía doanh nghiệp phản ánh chuyện họ bị làm khó tại địa phương. Quan điểm của EVN là các bên quan hệ trên tinh thần đôi bên cùng có lợi”, ông Khánh trao đổi với VnExpress.net.
Ông cho hay từ trước đến nay các doanh nghiệp viễn thông và EVN phối hợp rất ăn ý trong việc mua bán điện lưới. Các hợp đồng cung cấp điện hai bên thực hiện chưa xảy ra điều tiếng gì. Tuy nhiên từ giữa năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông ồ ạt lắp trạm BTS khiến khả năng cung ứng của EVN gặp khó khăn. Các trạm xây dựng cả các vùng núi, vùng sâu và nằm quá xa khu vực nguồn điện khiến việc chuyển tải gặp khó, hệ thống bị quá tải.
Chưa kể, các doanh nghiệp viễn thông lắp đặt tới hàng nghìn trạm thu phát sóng trong một năm nhưng lại không thông báo trước nên ngành điện rơi vào thế bị động. Chẳng hạn trong năm 2008 chỉ có VNPT là gửi kế hoạch đặt khoảng 10.000 trạm BTS còn các doanh nghiệp khác thì tự ý triển khai rồi yêu cầu EVN đưa điện tới. Trong khi đó, ở các địa phương EVN mới bán điện trực tiếp cho khoảng 50% hộ dân còn lại là cơ sở tư nhân và các đơn vị địa phương nằm ngoài EVN. Do vậy, ông Khánh cho rằng các hãng viễn thông cần làm việc trực tiếp với ngành điện để tránh qua khâu trung gian, mất phí lại quả.
"Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp viễn thông gửi trước kế hoạch và vị trí lắp đặt các trạm BTS để chúng tôi lập dự án đầu tư. Nếu cứ tự ý làm rồi mới thông báo thì EVN không thể có nguồn điện sẵn để đáp ứng”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, chi phí đầu tư cho một trạm biến áp khoảng từ 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng trong khi doanh thu từ việc bán điện cho mỗi trạm BTS khoảng vài triệu một tháng và phải mất hơn chục năm mới thu hồi vốn. Do vậy, các doanh nghiệp viễn thông cần chia sẻ khó khăn với ngành điện bằng cách dùng chung hạ tầng hoặc quy hoạch tổng thể. “Chúng tôi không thể đáp ứng được yêu cầu khi mà hôm nay kéo cáp đến cấp điện cho Viettel, vài tháng sau đến lượt VinaPhone, sau đó lại MobiFone và các doanh nghiệp khác”, ông Khánh nói.
Đại diện cho cơ quan chủ quản, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Thành Biên, cũng cho rằng việc cung ứng điện hay cho thuê cột với giá cả như thế nào là do phía EVN và các doanh nghiệp viễn thông tự thỏa thuận. Các bên cần thực hiện theo đúng hợp đồng ký kết và các quy định ngành. Trong trường hợp EVN đơn phương ngừng cung cấp điện cho các trạm BTS và vi phạm hợp đồng ký kết giữa hai bên, các doanh nghiệp viễn thông có thể gửi khiếu nại lên Cục Quản lý Cạnh tranh.