Ts Alan Phan: Khó khăn về vốn, doanh nghiệp đừng nghĩ đến ngân hàng
Ts Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải. Những năm trở lại đây, ông được nhiều người Việt Nam biết đến với vai trò là một chuyên gia tư vấn và kêu gọi đầu tư cho các doanh nghiệp.
Khi trao đổi với chúng tôi, ông Alan Phan cho rằng: ý tưởng kinh doanh, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại không có gì đặc thù để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Ở một khía cạnh nào đó, những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hiện nay phần lớn đều “đặt cọc” vì chiến lược lâu dài. Còn những nhà đầu tư tài chính thực sự thì dường như họ vẫn chưa có “đất”.
Và Việt Nam đang có tiềm năng phát triển một số ngành để thu hút sự đầu tư của các đối tác nước ngoài, chẳng hạn như lĩnh vực công nghệ thông tin hay lĩnh vực nông nghiệp.
Tín dụng từ ngân hàng lâu nay vẫn là nguồn vốn truyền thống của các doanh nghiệp Việt Nam. Tại sao ông lại cho rằng những lúc khó khăn như hiện nay thì doanh nghiệp nên “quên” đi nguồn vốn này mà có cách tiếp cận nguồn vốn khác?
Lâu nay các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn có thói quen rằng khi cần tiền để kinh doanh thì cầm sổ đỏ, tài sản thế chấp ra ngân hàng để vay tiền đó là cách làm quá dễ dàng mà ai cũng có thể làm được. Chính thì thế nguồn vốn này sẽ không được vững bền và bị phụ thuộc - kinh doanh không có chỗ cho sự dễ dàng.
Trong khi đó, trên thế giới hiện có mỗi ngày 400.000 - 500.000 tỷ USD “chạy” đi tìm nơi đầu tư. Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không nghĩ rằng mình có thể lấy được một phần của số tiền này mà cứ loay hoay với câu hỏi “Tiền ở đâu?” mà không thay vào đó là câu hỏi “Làm thế nào để có được số tiền đó?”
Cụ thể doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm thế nào, thưa ông?
Đơn giản thôi. Một trong những cách đó là niêm yết cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán Mỹ. Cửa sổ của cơ hội vẫn đang còn mở với các doanh nghiệp Việt Nam khi ra biển lớn để tìm vốn trên sàn Mỹ.
Sàn Mỹ vẫn có một thanh khoản rất cao vì dòng tiền đầu tư đang quá dư thừa. Giá chứng khoán vẫn gia tăng kỷ lục trong 2 năm qua, dù tình trạng vĩ mô toàn cầu đang bị đe dọa với rất nhiều rủi ro.
Tuy nhiên niêm yết trên sàn Mỹ là điều không hề dễ dàng và bài học cavico đối với các doanh nghiệp Việt nam vẫn còn?
Cavico niêm yết trên sàn Mỹ nhưng vẫn kinh doanh tư duy theo kiểu Việt Nam, đầu tư dàn trải, có quá nhiều công ty con, do đó không cập nhật kịp báo cáo của các công ty con, nộp báo cáo tài chính chậm...Muốn lên sàn Mỹ thì mô hình kinh doanh đó phải đơn giản, quản trị rõ ràng.
Theo cảm nhận của tôi, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng. Những điều kiện để tìm vốn bằng cách phát hành cổ phiếu hay trái phiếu nghe qua thì khá dễ dàng, nhưng cho đến nay, vẫn chưa một doanh nghiệp Việt Nam nào thực hiện được mục tiêu này.
Theo ông “nút thắt” mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tháo bỏ để tiếp cận được nguồn vốn từ thị trường này là những gì?
Chuyện niêm yết trên sàn Mỹ thực sự khá dễ dàng; bạn chỉ cần một bản cáo bạch có luật sư chuyên về chứng khoán và một kiểm toán gia có tên trong danh sách của PCAOB ký nhận là Cơ quan chứng khoán Mỹ (SEC) sẽ chấp nhận đơn xin niêm yết. Không một đòi hỏi nào khác về doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải làm tốt những điều sau nếu muốn “rút tiền” trong túi của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Mỹ:
Thứ nhất, tư duy của ban quản lý. Nguyên tắc căn bản không thể thiếu được khi lên sàn Mỹ đó là tính minh bạch (transparency), trung thực và khai báo đầy đủ (full disclosure), kỹ cương đạo đức của công ty và cá nhân ban quản lý (corporate governance); nhất là những mâu thuẫn lợi ích (conflict of interest).
Thứ hai, doanh nghiệp phải chứng minh được sự hấp dẫn, mức độ sinh lời của cổ phiếu đủ để thuyết phục được các nhà đầu tư.
Toàn thế giới, có khoảng 36.000 cổ phiếu đủ loại (sàn Mỹ có hơn 12.000) để các nhà đầu tư lựa chọn. Bạn phải có một lý do khá độc đáo để thuyết phục nhà đầu tư mua cổ phiếu của công ty bạn thay vì Google hay Apple.
Vấn đề về chi phí và duy trì niêm yết liệu có quá sức đối với các doanh nghiệp Việt Nam không, thưa ông?
Với một công ty nhỏ, chỉ có một hình thức kinh doanh độc nhất phí tổn hàng năm cho các luật sư và nhà kiểm toán khoảng hơn 150 nghìn USD; chưa kể đến những chi phí về IR-PR (liên hệ đầu tư, investor relations), tư vấn tài chính, phí để lưu trữ hồ sơ đầu tư (transfer agent), phí đăng ký với các cơ quan chính phủ v.v… Một công ty có chừng 10 công ty con, phải nhân lên gấp 5 lần số tiền nói trên. Do đó, nếu công ty bạn không tìm được một dòng tiền để thỏa mãn nhu cầu này, thì việc lên sàn là một đầu tư không hiệu quả, và khó đạt được mục tiêu ban đầu.
Mức phí đó xem ra cũng không hề rẻ đối với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, ông có nghĩ rằng việc niêm yết này sẽ khiến các doanh nghiệp khó đạt mục đích huy động vốn hay không?
Công ty tư nhân lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng ACB có doanh thu khoảng 900 triệu USD và có thể đựơc xếp hạng là công ty nhỏ (small cap). Còn lại các công ty khác thường thuộc loại công ty siêu nhỏ (mini hay micro cap), theo tiêu chuẩn Mỹ.
Khi đầu tư vào các công ty nhỏ, các nhà đầu tư quốc tế thường chọn những cổ phiếu có tính đột phá mạnh và có lợi thế về công nghệ với khả năng phủ hàng khắp thị trường toàn cầu.
Trong 18 năm từ khi các công ty Trung Quốc bắt đầu niêm yết sàn Mỹ, chỉ hơn 10% các doanh nghiệp là đạt được mục tiêu mong muốn. Tôi nghĩ tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ không khá hơn gì.
Có mâu thuẫn không khi ông khuyên rằng hãy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và ngay sau đó là tỷ lệ thành công chỉ khoảng 10%?
Sàn chứng khoán Mỹ như tôi nói có dòng tiền rất dồi dào và thanh khoản cao, đó là cái đích mà các doanh nghiệp Việt Nam nên hướng đến.
Trên thực tế, các ngành nghề được ưa thích là công nghệ IT, nông nghiệp của Việt Nam vẫn có sức hút đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề còn lại là các công ty này phải chứng minh được sức hút, sự độc đáo trong kinh doanh của mình thì tôi tin rằng dòng tiền thông minh sẽ tìm đến họ.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!